“Đáy các đám mây mưa giông thường tích điện. Điện năng này khiến cho mặt đất phát sinh cảm ứng, sản sinh ra những đám tích điện ngược dấu. Nếu đám mây tích điện dương thì mặt đất tích điện âm, ngược lại mây tích điện âm mặt đất tích điện dương. Điện tích của mặt đất được gọi là “điện tích cảm ứng”.
Loại điện tích cảm ứng này có cùng tính chất như nhau trên một phạm vi nhỏ của mặt đất. Ví dụ đều là dương, hoặc đều là âm. Như ta đã biết, cùng loại điện tích thì sẽ đẩy nhau. Kết quả của sự bài trừ này khiến cho các điện tích phân bố lại trên mặt đất. Lực của sự bài trừ này phân bố trên các hướng, những chỗ mặt đất gồ ghề nhấp nhô lực sẽ nhỏ hơn những chỗ mặt đất bằng phẳng. Cho nên các điện tích sẽ dời đến những chỗ mặt đất lồi lõm nhiều nhất, tức là điện tích cảm ứng sẽ tập trung nhiều, mật độ cao ở những chỗ khúc khuỷu.
Những vật cao cũng là bộ phận tạo thành của mặt đất. Vì cao cho nên nó là chỗ khúc khuỷu nhất của mặt đất, điện cảm ứng tập trung ở đó nhiều. Nó có sức hút đối với đám mây rất mạnh.
Vì vậy, khi gặp cơn giông chúng ta tuyệt đối không nên tránh mưa dưới những vật cao như cột cờ, cây cao, tháp nhọn, ống khói hoặc cột điện, bởi vì ở đó dễ bị sét đánh.
Mặt khác con người cũng lợi dụng đặc tính này để lắp đặt các thiết bị chống sét bảo vệ các công trình kiến trúc.
Cột chống sét (cột thu lôi) là cột kim loại đặt trên đỉnh kiến trúc, phía dưới tiếp đất. Nó thu hút sét của vùng phụ cận lên bản thân cột, nó làm nhiệm vụ nối thông điện khiến cho sét được truyền xuống đất. Như vậy đáng lẽ sét đánh vào đỉnh cao của kiến trúc nhưng cuối cùng lại tránh được.”