Bạn đã từng nhìn thấy nhũ đá và măng đá chưa? Bạn có thể tới Quảng Bình, thăm Phong Nha-Kẻ Bảng, ở đó có rất nhiều nhũ đá và măng đá. Nhũ đá và măng đá, một như băng tuyết mùa đông nhỏ xuống từ mái nhà, một như măng trúc mùa xuân nhú lên từ mặt đất.
Những hang động có nhũ đá và măng đá đều phải là hang động đá vôi. Trên đỉnh hang có rất nhiều khe nứt, và từ mỗi khe nứt ấy, nước từng giọt từng giọt nhỏ xuống. Khi nước bốc hơi hết, còn lắng lại là chút canxi. Quá trình tích lũy canxi lắng đọng như thế, cuối cùng hình thành nhũ đá (còn gọi là thạch nhũ). Đây là thời kì đầu của nhũ đá. Về sau, bên ngoài nhũ đá lại được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp đá vôi, mỗi lúc một nhiều, mỗi lúc một dài. Thậm chí, có những nhũ đá dài tới cả mấy mét.
Măng đá là người bạn đồng hành thân thiết của nhũ đá. Khi nước từ trên đỉnh hang nhỏ xuống, đá vôi cũng được tích lũy dưới mặt đất. Cứ như vậy, măng đá vươn cao, hướng lên phía nhũ đá. Có thể nói, nhũ đá là “tiền bối” và “măng đá” là “hậu bối” vậy. Vì phát khởi từ đất, diện tích bám trụ lớn, vững chãi, không dễ bị ngắt đoạn, nên măng đá thường phát triển nhanh gấp mấy lần nhũ đá. Măng đá cao nhất có khi đạt tới 30 m, giống như một tháp đá, vững chãi đứng trên mặt đất.
Nhũ đá và măng đá cũng có khi tiếp xúc với nhau, gắn kết lại thành cột đá, hai đầu to thô, ở giữa lại mảnh, người không biết lại cho rằng có ai đục đẽo nên thế. Trong rất nhiều hang đá vôi, nhũ đá và măng đá không phải lúc nào cũng liền kề, liên kết với nhau. Nguyên nhân là nhũ đá bị đứt đoạn, đá vôi chặn dòng chảy của nước, nước buộc phải chuyển hướng, vì thế mà lại có một nhũ đá khác ra đời. Cứ như thế, nhũ đá và măng đá chả bao giờ “chạm mặt”.
Nước dưới lòng đất thật giống như một nghệ sỹ điêu khắc tài ba. Những nơi nước đi qua, những dấu vết nước để lại, khi thì là một khe suối, lúc lại là hang động, hoặc là nhũ đá, măng đá và rất nhiều điều tuyệt diệu khác. Tất cả tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên vô cùng xinh đẹp.