Vì sao vùng phương Bắc Trung Quốc hình thành gió cuốn bụi?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Về mùa hè, một số vùng phương Bắc Trung Quốc thường xuất hiện gió xoáy rất mạnh. Gió xoáy bốc cát bụi, cỏ rác và giấy lộn lên trời, làm nên những cột xoáy thẳng đứng. Chúng bỗng nhiên xuất hiện, bỗng nhiên mất đi. Người ta đặt cho nó một cái tên thần bí – “gió quỷ”. Thực ra đó là một hiện tượng thời tiết thường gặp trong khí tượng học gọi là “gió cuốn bụi”.

Gió cuốn bụi hình thành trong điều kiện sau buổi trưa hè, trời ít mây, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, tốc độ gió yếu. Khi ấy ánh nắng chiếu mạnh, nhiệt độ mặt đất tăng nhanh, tỉ nhiệt lớp đất không đồng đều, lớp không khí gần mặt đất không ổn định, rất dễ sản sinh sự vận động đối lưu mãnh liệt, hình thành nên những cột không khí nóng có độ dày nhất định. Vùng nó xuất hiện trở thành vùng khí áp thấp. Vùng khí áp cao chung quanh sẽ ập vào để điền lấp vùng khí áp thấp, nhưng dưới tác dụng lực tự quay của Trái Đất, luồng khí chảy về khu vực khí áp thấp ở Bắc bán cầu thường quay lệch về bên phải, như vậy luồng khí ập vào trung tâm khí áp thấp sẽ xoáy theo phương ngược chiều kim đồng hồ, hình thành nên dòng không khí xoáy. Có lúc do địa hình đặc biệt như đồi gò, đụn cát làm cho dòng khí ập đến phải chạy quanh hoặc trườn lên cao, nên thường bị lệch hướng, hơn nữa sau lưng luồng khí sẽ hình thành một góc chết. Không khí hai bên luồng khí sẽ đồng thời cùng ập vào góc chết, tạo thành luồng gió bốc đi lên, lúc đó sẽ phát sinh sự đối lưu theo chiều thẳng đứng và thay đổi phương chuyển động ngang. Chỗ hội hợp đó sẽ hình thành nên cột gió xoáy.

Sau khi hình thành gió xoáy, khí áp trung tâm càng thấp, tốc độ xoáy càng nhanh, cộng với sự vận động đi lên dữ dội, nên những vật nhẹ dễ bị cuốn theo. Nhưng gió cuốn bụi một khi đã hình thành, vì tốc độ gió tăng nhanh làm cho sự trao đổi giữa vùng áp thấp với chung quanh diễn ra mau chóng, khiến cho sự chênh lệch khí áp giảm xuống rất nhanh, cho nên chỉ trong nháy mắt cột gió xoáy đã tiêu tan. Vì vậy sự tồn tại của gió xoáy rất ngắn, nói chung chỉ trong mấy phút, lâu lắm cũng không quá mười mấy phút.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ