“Vàng, bạc, sắt, đồng là những kim loại quen thuộc với chúng ta. Từ hơn 2000 năm trước, nhân dân lao động nhiều nước trong đó có Trung Quốc, Ai Cập, ấn Độ… đã dần dần chế luyện được các kim loại này. Những hợp kim của niken đã được phát minh khá sớm từ thời cổ đại ở Trung Quốc, thế nhưng kim loại niken chỉ được nhận biết một thời gian rất lâu sau khi phát hiện hợp kim niken.
Từ hơn 2000 năm trước, ở huyện Đường Làng (thuộc miền Hội Trạch Xảo Gia ngày nay) thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc, người ta luyện được một loại hợp kim được gọi là “”đồng bạch”” (đồng trắng). Đây là loại hợp kim của đồng được chế luyện từ một loại quặng đồng trắng có chứa 6,14% niken. Khi loại hợp kim đồng – niken có chứa đến 16% niken, hợp kim sẽ có màu trắng bạc rất đẹp. Do đó hợp kim có tên gọi là “”đồng bạch””.
Do đồng bạch được người Trung Quốc chế tác đầu tiên, nên vào thời đó người Ba Tư (thuộc miền Trung Á ngày nay) gọi đó là “”đá Trung Quốc””. Sau đó từ thế kỷ XVI trở đi, người Châu Âu nhiều lần đề cập đến đồng bạch Trung Quốc. Như vào năm 1735, một người Pháp là Daudet đã viết: “”Có loại đồng đặc biệt là đồng bạch, loại đồng rất đặc biệt này có lẽ ngoài Trung Quốc không còn nơi nào có””. Vào thời bấy giờ, nhiều quốc gia đã nhập khẩu đồng bạch Trung Quốc để đúc tiền. Nhiều người ở các nước đã bỏ nhiều công chế tạo đồng bạch Trung Quốc. Vào thế kỷ XVIII, XIX, nước Anh đã nhập khẩu đồng bạch; tiến hành nghiên cứu thành phần đồng bạch trong phòng thí nghiệm. Nền công nghiệp nước Phổ (nước Đức cổ) thậm chí đã đặt giải thưởng để kích thích việc nghiên cứu đồng bạch. Các nhà luyện kim phương Tây qua nhiều công trình thí nghiệm nghiên cứu chế tạo đồng bạch, đã giúp họ chế luyện được mấy loại hợp kim có màu trắng bạc, là loại hợp kim của niken không chứa bạc, họ gọi đó là “”bạc mới””, “”bạc nước Đức”” và “”bạc niken””. Các hợp kim này thực tế là loại đồng bạch Trung Quốc.
Hợp kim niken đã ra đời từ thời cổ đại, nhưng loài người chỉ chế luyện được kim loại niken từ thời cận đại. Vào năm 1751, nhà hoá học Thụy Điển Kronesteind đã chế tạo kim loại niken từ loại quặng đa kim trong có chứa asen và niken. Ngày nay, một lượng lớn niken đã được dùng để chế tạo hợp kim. Ví dụ khi đưa niken vào thành phần gang, thép sẽ làm cường độ của gang thép được tăng lên nhiều. Loại thép không gỉ mà người ta thường dùng chính là hợp kim của sắt, niken và crom. Với hợp kim đồng – niken, khi hàm lượng niken đến 46% được gọi là “”bạch kim giả”, vì hợp kim này có nhiều tính chất giống bạch kim (platin). Hợp kim titan – niken là “”hợp kim có trí nhớ”” nổi tiếng. So với thời cổ đại thì chủng loại và phạm vi ứng dụng của hợp kim niken được mở rộng rất nhiều.”