Vì sao cùng là đồ dùng bằng gang thép mà chảo lại giòn, muôi lại dẻo, dao lại sắc?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Chảo nấu thức ăn, muôi, dao thái rau đều làm bằng thép. Tại sao cùng là đồ dùng bằng sắt thép cả nhưng chúng lại không giống nhau? Nguyên liệu dùng để đúc chảo là gang. Gang giòn, nên chỉ đánh rơi hoặc đập là vỡ. Vì vậy đối với gang người ta không thể dùng cách rèn dập để làm ra chảo. Trong các công xưởng, nhà máy, người ta phải dùng cách nấu chảy gang rồi đổ vào khuôn để đúc tạo hình, gọi là đúc gang.

Muôi, bản xẻng được chế tạo bằng thép non. Khác với gang, thép non không giòn mà dẻo. Người ta thường dùng búa và rèn để chế tạo các đồ vật bằng thép non.

Dao thái rau được làm bằng thép. Thép vừa có tính dẻo, dát mỏng, kéo được thành sợi. Có thể rèn, dập theo khuôn, cắt gọt thành các chi tiết cơ khí, dụng cụ cần thiết.

Gang, thép non, thép trông bề ngoài có vẻ giống nhau, tại sao chúng lại có tính chất khác nhau như vậy? Gang, thép non, thép có tính chất khác nhau là do hàm lượng cacbon trong các vật liệu đó. Gang có hàm lượng cacbon lớn hơn 1,7% nên giòn, không thể dùng cách rèn dập để tạo hình. Thép có hàm lượng cacbon từ 0,2 – 1,7% nên thép có độ cứng lớn, lại dẻo, có thể rèn, dập, dát mỏng rất tốt. Thép non có hàm lượng cacbon nhỏ hơn 0,2% nên rất dẻo, dễ rèn. Vì vậy dù rằng hàm lượng cacbon trong gang thép không nhiều nhưng lại quyết định tính chất vật liệu bằng sắt.

Ngoài ra cách chế tạo ba loại vật liệu cũng khác nhau. Sản phẩm lấy ra từ lò cao là gang. Sản phẩm từ lò phản xạ là thép non. Sản phẩm của lò luyện thép (lò bằng, lò chuyển, lò điện) là thép.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ