Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thế giới, nước, đất đai và không khí các nước đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Môi trường bị ô nhiễm gây hại trở lại cho vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ con người. Năm 1999 ở Bỉ phát sinh sự kiện ô nhiễm chất độc đioxin, nên phải ngừng sử dụng sữa bò do Bỉ sản xuất trên toàn thế giới, cuối cùng đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn nhân loại. Cho nên ngăn ngừa ô nhiễm, sạch hoá môi trường đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các nước trên thế giới.
Ô nhiễm không khí là do khí độc của các nhà máy sản xuất gây nên. Muốn giảm ô nhiễm không khí, khôi phục môi trường trong sạch chỉ có cách hạn chế các chất thải do từng nhà máy thải ra. Nhưng sự hạn chế này phải dựa trên cơ sở khoa học. Nếu hạn chế quá mức về mặt kỹ thuật sẽ gặp khó khăn, về kinh tế rất tốn kém. Để hạn chế một cách khoa học và thích đáng lượng chất thải có hại của các nhà máy mới xây dựng thì trước khi xây dựng cần phải tiến hành điều tra tình hình ô nhiễm không khí chung quanh, cũng như khống chế chất thải nhà máy thải ra cho phù hợp với tiêu chuẩn nhà nước quy định, cũng như đánh giá mức độ thiệt hại mà những chất thải này gây ra đối với mùa màng và dân cư chung quanh nhà máy.
Viện thiết kế thuộc Sở Khí tượng và ngành thuỷ lợi điện lực Thượng Hải đã có những nhận xét và đánh giá môi trường không khí đối với nhà máy điện số 2 ở Thạch Đồng Khẩu Thượng Hải của khu Bảo Sơn Thượng Hải, đã tiến hành điều tra lượng khí sunfurơ và bụi chung quanh nhà máy. Chính vì vậy mà họ đã đo đạc tính toán sự ô nhiễm có liên quan với các điều kiện khí tượng như sức gió, độ làm sạch không khí, độ ổn định không khí. Qua sự đánh giá của các chuyên gia, cuối cùng đưa ra yêu cầu cho nhà máy điện nên dùng than hàm lượng lưu huỳnh thấp hạn chế lượng thải. Nếu vượt quá hạn ngạch thì phải bồi thường và ngừng sản xuất theo Luật bảo vệ môi trường. Sự kiến nghị này cũng có thể cải thiện ô nhiễm không khí của vùng đó, bảo vệ sức khỏe nhân dân, khiến cho mùa màng tránh được thiệt hại, có tác dụng rất tốt. Nếu các nước trên thế giới đều dùng các biện pháp tích cực sẽ hạn chế được thích đáng những lượng chất khí độc hại do nhà máy thải ra. Vì vậy sự ô nhiễm không khí toàn cầu sẽ được cải thiện, mưa axit cục bộ và khí hậu toàn cầu nóng lên sẽ được khống chế.
Một con đường khác để cải thiện ô nhiễm không khí là tìm nguồn năng lượng mới, ví dụ năng lượng gió, Mặt Trời, thuỷ triều, v.v.. Chúng không cần đến nhiên liệu nên không thải ra khí độc. Chỉ có như thế tình trạng ô nhiễm không khí mới được trị tận gốc.