Các nhà khoa học nghiên cứu loài cá voi có thể phát hiện thấy hoạt động của cá voi trong phạm vi mấy cây số. Họ dựa vào điều gì để biết được trong biển cả với sóng nước tung trào kia có hay không có cá voi nhỉ?
Hoá ra, loài cá voi có một “nhược điểm” rất dễ làm lộ mình. Cá voi tuy sinh sống trong nước, nhưng vẫn cần thở oxy trong không khí bằng phổi. Lỗ mũi của cá voi khác với các loài động vật có vú khác, nó không có mũi ở bên ngoài, lỗ mũi mở ra ở đỉnh đầu giữa hai con mắt. Có loài hai lỗ mũi dựa sát vào nhau, có loài hai lỗ mũi hợp thành một lỗ. Phổi của cá voi rất lớn, như phổi của cá voi xanh nặng khoảng 1500 kg, trong phổi có thể chứa được 15000 lít không khí. Dung lượng phổi lớn như vậy rất có lợi cho cá voi, có thể giúp cho chúng không phải thường xuyên nổi lên mặt biển để hít thở không khí nữa.
Nhưng thời gian lặn dưới nước cũng không được quá dài. Thường là sau mười mấy phút cá voi lại phải ngoi lên mặt nước để lấy không khí. Khi muốn thay đổi khí, cá voi trước hết phải thải một lượng lớn khí thải trong phổi ra. Do áp lực lớn nên khi phun khí thường phát ra âm thanh rất to, có lúc lại giống như tiếng còi của tàu hoả. Khi luồng khí mạnh bật ra khỏi lỗ mũi, làm bắn cả nước biển lên không trung, trên mặt biển màu xanh liền xuất hiện suối phun từ dưới biển lên. ở vùng biển lạnh giá, do không khí ở đó lạnh hơn không khí trong phổi, nên không khí ẩm ướt trong phổi thở ra gặp lạnh sẽ ngưng đọng thành những giọt nước nhỏ, cũng có thể tạo thành suối phun. Khi cá voi ở dưới nước sâu, không khí trong phổi bị nén rất mạnh, sự bốc hơi khi bị nén chặt có sức khuếch tán nên cũng tạo thành suối phun.
Độ cao, hình dạng và kích thước của các cột nước mà cá voi phun ra không giống nhau, ví dụ nước mà cá voi xanh phun có thể cao 9 ~ 12 m, quan sát từ xa, không những có thể căn cứ vào cột nước phun để phát hiện được cá voi mà còn có thể phân biệt được loài cá voi và kích cỡ của con cá voi đó nữa.