Vì sao đốt xăng, cồn thì cháy hết sạch, còn khi đốt gỗ, than đá lại còn tro?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Xăng, cồn, gỗ, than đá là những loại nhiên liệu thường thấy. Nhưng có điều kỳ lạ là khi đốt xăng, cồn thì xăng, cồn cháy hết sạch không còn lại gì. Còn khi đốt gỗ, than đá còn lại nhiều tro? Tại sao vậy?

Bởi vì so với gỗ và than đá thì xăng và cồn là những hợp chất hữu cơ có độ thuần khiết cao. Với đại đa số hợp chất hữu cơ như cồn chẳng hạn, chỉ cần châm lửa là chúng sẽ cháy hoàn toàn, tạo thành hơi nước và khí cacbon đioxit, tất cả đều bay vào không khí. Xăng tuy là hỗn hợp của nhiều hyđro cacbon nhưng các hyđro cacbon cũng là những chất dễ cháy. Vì vậy cho dù là ở trạng thái hỗn hợp nhưng khi đốt đều cháy hết.

Với than đá cục và gỗ lại không như vậy. Cả hai vật liệu đều có thành phần rất phức tạp, những thành phần trong vật liệu gỗ như xenluloza, bán xenluloza, gỗ, nhựa cũng là những hợp chất hữu cơ dễ cháy và có thể “cháy hết”. Nhưng vật liệu gỗ thường dùng còn có các khoáng vật. Những khoáng vật này đều không cháy được. Vì vậy sau khi đốt cháy gỗ sẽ còn lại và tạo thành tro.

Than đá cũng do cây gỗ bị vùi lấp trong các lớp đất từ thời xa xưa. Trong thành phần than đá ngoài cacbon và các hợp chất hữu cơ phức tạp còn có các chất khoáng là các muối silicat. Nên so với gỗ khi đốt cháy than còn cho nhiều tro hơn.

Ngoài ra khi đốt cháy cỏ, rơm rạ còn để lại lượng tro nhiều hơn so với khi đốt cháy gỗ. Vì trong cỏ, rơm rạ cũng như vật liệu thực vật họ hoà thảo, các vật liệu khoáng như các muối silicat còn nhiều hơn ở gỗ, nên khi đốt cháy chúng sẽ cho lượng tro nhiều hơn khi đốt cháy gỗ. Khi sinh trưởng, thực vật hấp thụ nhiều kali nên tro khi đốt cháy cây cỏ có chứa nhiều kali, nên là loại phân bón kali.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ