Vì sao cloetan có thể làm ngừng cơn đau?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Trên các sân bóng đá, chúng ta thường thấy hình ảnh một vận động viên đang chạy với tốc độ nhanh bị đối phương chèn ngã và bị thương. Nhân viên y tế của đội bóng đến bên cạnh cầu thủ bị thương, sau khi kiểm tra, nhân viên y tế rút từ túi cứu thương một bình thuốc nước phun vào chỗ vết thương, một lúc sau cầu thủ bị thương đứng dậy tiếp tục thi đấu.

Chắc bạn sẽ đặt ra câu hỏi nhân viên y tế đã phun vào chỗ bị thương chất gì mà có hiệu quả thần kỳ như vậy?

Khi cầu thủ bị thương, chỗ bị thương sẽ rất đau đớn, cách tốt nhất là làm lạnh cục bộ khiến cho cơ bắp mất đi cảm giác đau. Người cán bộ y tế đã dùng phương pháp làm lạnh cục bộ bằng cách phun chất làm lạnh tức thời trên chỗ bị thương: chất làm lạnh ở đây là clorua etyl hay còn gọi là cloetan.

Clorua etyl là một hợp chất hữu cơ có nhiệt độ sôi thấp là 12,3°C. Ở nhiệt độ trong nhà, khi tăng áp suất, nó sẽ biến thành chất lỏng. Khi phun cloetan lên chỗ bị thương, các giọt cloetan khi tiếp xúc với da, nhiệt độ cơ thể làm cloetan sôi lên và bốc hơi rất nhanh. Quá trình bay hơi xảy ra rất nhanh hấp thụ một lượng nhiệt lớn làm cho da bị lạnh đông cục bộ và tê cứng. Vì vậy thần kinh cảm giác không truyền được cơn đau lên đại não. Nhờ đó người ta không có cảm giác đau. Đồng thời do sự lạnh đông cục bộ khiến cho các huyết quản chỗ bị thương bị co lại, làm chỗ bị thương ngừng chảy máu. Vì lạnh đông cục bộ, nên ở chỗ bị thương không ảnh hưởng đến cơ năng cảm giác trong toàn thân. Nếu chỗ bị thương không bị tổn thương đến xương thì qua việc xử lý bằng cloetan, cầu thủ bị thương có thể tiếp tục thi đấu.

Có điều cần nêu lên rằng, dùng cloetan chỉ có thể tạm thời làm cho vận động viên không có cảm giác đau mà không có tác dụng chữa trị. Sau khi trận đấu kết thúc cần phải tiếp tục chữa trị, nghỉ ngơi mới có thể trị lành vết thương, khôi phục được sức lực.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ