Giáo Hội Tin Lành được thành lập khi nào?

Giáo Hội Tin Lành (Protestant) hay Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh (Reformed Church) là một trong ba giáo hội lớn của Cơ Đốc Giáo.

Giáo Hội Tin Lành là Giáo Hội Cơ Đốc lớn đứng vào hàng thứ nhì, sau Công Giáo La Mã. Đến năm 1990, Giáo Hội Tin Lành có khoảng 469 triệu tín hữu trên toàn thế giới.

Vào giữa thế kỷ XVI, Giáo Hội Tin Lành được thành lập, sau khi tách rời khỏi Công Giáo La Mã trong cuộc cải chánh Giáo Hội Công Giáo La Mã của Tu sĩ Martin Luther ở Đức Quốc, Mục sư Ulrich Zwingli ở Thụy Sĩ, nhà thần đạo John Calvin ở Pháp Quốc và vua Henry VIII ở Anh Quốc. Các cuộc cải chánh này nhằm mục đích đưa tín hữu trở lại niềm tin đúng theo các giáo lý trong Kinh Thánh như lúc ban đầu và bất phục tùng Giáo Hoàng ở La Mã.

Trong thời cải chánh ở thế kỷ 16, lịch sử ghi nhận có bốn Hội thánh Tin Lành Cải Chánh nổi bật nhất đó là Lutherans, Calvinist, Anabaptists và Anh Quốc Giáo. Từ thế kỷ XVI cho đến nay, người ta ghi nhận có nhiều Giáo Hội Tin Lành khác được thành lập như: Trưởng Nhiệm, Quakers, Báp-tít, Ngũ Tuần, Giám Lý, Phúc Âm Liên Hiệp, Mennonite, Nazarene, Cơ Đốc Phục Lâm, Anh Em, Hội Thánh Đấng Christ, Church of God in Christ, Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê-xu Ki-tô, Chứng Nhân Giô-hô-va…

Mặc dầu, các Giáo Hội Tin Lành không hoàn toàn đồng ý với nhau về một vài giáo lý hay phương cách hành đạo, nhưng tất cả đều nhất trí không thuận phục Giáo Hoàng của Công Giáo La Mã. Chấp nhận Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất của các vấn đề thuộc đức tin và phương cách hành đạo của tín hữu thuộc Giáo Hội Tin Lành.

Đa số Giáo Hội Tin Lành tin sự cứu rỗi là do ân điển của Đức Chúa Trời và bởi đức tin của tín hữu đặt vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu. Trái lại, Công Giáo La Mã cho rằng ngoài ân điển của Đức Chúa Trời và đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu ra tín hữu cần phải làm thêm những điều phước đức theo lời dạy của Giáo Hội Công Giáo La Mã thì mới được cứu. Sự khác biệt về giáo lý cứu rỗi này là nguyên động lực chính, làm cho Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh tách rời khỏi Công Giáo La Mã hồi thế kỷ XVI.

Dù đã tách khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã, Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh vẫn giữ giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, sự chết chuộc tội và sự sống lại của Đấng Christ, nghi lễ Báp-têm và Tiệc Thánh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ