Ai sáng lập ra Hồi Giáo?

Vào đầu thế kỷ VII, Ông Muhammad khai sinh ra Hồi Giáo (Islam) tại Mecca, xứ Ả-rập.

Muhammad thuộc thị tộc Hashim của bộ tộc Quraysh, chào đời năm 570 tại Mecca, nay thuộc Arab Saudi. Ông mồ côi cha lúc còn trong bụng mẹ. Khi vừa được 6 tuổi, ông mồ côi mẹ, nên phải sống dưới sự nuôi dưỡng của ông nội tên là Abd Al-Muttalib. Sau khi sống với ông nội được hai năm, ông nội qua đời. Sau đó phải sống với người chú tên Abu Talib. Khi lớn khôn, ông đi theo các thương buôn vượt sa mạc qua Syria để buôn bán và trao đổi hàng hóa. Đến năm 25 tuổi, ông được một góa phụ thương gia giàu có tên là Khadidfe mướn làm quản gia coi sóc tài sản cho bà. Sau một thời gian làm việc, ông tỏ ra thanh liêm, chánh trực và đảm đang nên người chủ cảm thương lấy ông làm chồng lúc ông chưa quá 25 tuổi còn bà chủ thì đã vào khoảng 40. Hai người chung sống với nhau có được 2 người con trai và 4 người con gái.

Sự hình thành Hồi giáo

Muhammad thường vào các hang động cầu nguyện tịnh tâm tìm khải tượng. Theo lời Muhammad thuật lại thì khi ông khoảng 40 tuổi, vào một buổi chiều, trong lúc ông đang cầu nguyện trong một hang động ở núi Hira. Thình lình Muhammad nghe có tiếng la lớn bảo ông “hãy đọc.” Muhammad trả lời là ông không biết đọc. Sau đó, Muhammad lại nghe có tiếng la lớn một lần nữa bảo ông “hãy đọc.” Muhammad nhướng mắt lên thấy một cuộn sách đang mở ra đầy chữ bằng lửa. Muhammad tự nhiên đọc được quyển sách này. Muhammad quá sợ, liền bỏ chạy để thoát thân, nhưng lại nghe có tiếng lớn kêu tên ông, ông liền quây lại thì thấy một thiên sứ. Thiên sứ này xưng mình tên là Gáp-ri-ên. Thiên sứ Gáp-ri-ên báo cho Muhammad biết là ông đã được chọn để làm tiên tri cho Allah (Ả rập: Ilah), tức là tiên tri của Đức Chúa Trời.

Sau khải tượng này, Muhammad xưng mình là tiên tri của Đức Chúa Trời và bắt đầu đi rao giảng. Ông bảo người Ả-rập bỏ đạo thờ đa thần trở lại thờ một chân thần duy nhất là Allah tức là Đức Chúa Trời của tổ phụ Áp-ra-ham. Ngoài ra, Muhammad còn tuyên bố là ông nhận được thêm khải tượng là Allah đã chỉ định ông làm tiên tri kế vị Nô-ê, Áp-ra-ham, và Đức Chúa Giê-xu. Sau đó, Muhammad còn cho biết thêm ông là tiên tri lớn nhất và là tiên tri cuối cùng mà Thượng Đế đã gởi đến cho nhân loại.

Sự phát triển lớn mạnh của Hồi giáo

Đến năm 622, Muhammad bị người theo Đa Thần Giáo đuổi ra khỏi quê hương mình là Mecca, ông phải qua xứ Medina trú ngụ. Tại nơi nầy, Hồi Giáo lớn mạnh thành một lực lượng vũ trang hùng hậu. Muhammad dùng lực lượng này trở lại đánh chiếm được Mecca vào năm 630. Muhammad bắt dân ở Mecca theo Hồi Giáo, dẹp bỏ thần tượng của bái vật giáo và bắt dân chúng ở đây công nhận ông là tiên tri của Đức Chúa Trời (Allah).

Sau khi đánh chiếm được Mecca, quân Hồi Giáo càng ngày càng hùng mạnh hơn. Muhammad dùng đạo quân đông đảo và hùng mạnh của mình để đi đánh các dân, các nước không theo Hồi Giáo. Muhammad cho rằng ai không theo Hồi Giáo tức là chống lại Allah. Người lính đánh giặc được thủ lãnh Muhammad cho giữ 1/3 chiến lợi phẩm và hứa nếu tử trận sẽ được lên thiên đàng ngay. Nhờ vào đạo quân đông đảo và hùng mạnh này mà Hồi Giáo bành trướng nhanh chóng vượt ra ngoài biên giới các nước Ả-rập.

Đến năm Muhammad 49 tuổi, vợ ông qua đời, sau đó ông có thêm 9 người vợ khác và một số nàng hầu. Đến năm 632, ông lâm bịnh rồi qua đời. Ông hưởng thọ 62 tuổi. Các môn đệ tin rằng ông đã thăng thiên từ thánh địa Giê-ru-sa-lem.

Sau khi Giáo chủ Muhammad qua đời, môn đồ kế vị ông là Adbu-Bekr rồi đến Omar đều có lòng muốn bành trướng Hồi Giáo đi khắp nơi. Năm 638, quân Hồi Giáo đánh chiếm được Giê-ru-sa-lem khỏi tay Cơ Đốc Giáo. Đến năm 689, những người lãnh đạo thừa kế Muhammad kéo quân đánh chiếm được nhiều nước ở Âu châu, phần đông dân chúng theo Cơ Đốc Giáo. Cuộc “thánh chiến” này khiến cho cả Âu Châu phải kinh hoàng vì lo sợ là Cơ Đốc Giáo có cơ nguy bị Hồi Giáo tiêu diệt.

Đến năm 715 Hồi Giáo bành trướng đến các nước ở dọc bờ Địa Trung Hải và đến tận biên giới nước Trung Hoa. Khi họ chiếm được thành nào hay xứ nào mà dân chúng không chịu theo Hồi Giáo đều phải bị tiêu diệt.

Đến năm 732, Hoàng tử Charles Martel (con của Pépin I, vua nước Pháp) cầm quân ra nghinh chiến và đánh bại được quân Hồi, bắt họ phải rút lui ra khỏi Âu Châu. Nhờ cuộc chiến thắng này mà Cơ Đốc Giáo ở Âu Châu khỏi bị Hồi Giáo tiêu diệt.

Tín đồ Hồi Giáo tin rằng kinh Koran của họ ghi lại những lời của thiên sứ Gáp-ri-ên đã mặc khải cho tiên tri Muhammad. Vì Muhammad không biết đọc biết viết, nên các lời mặc khải này do các môn đệ của Muhammad ghi lại sau khi ông đã qua đời khiến cho các chương mục rời rạc khó hiểu. Giáo lý Hồi Giáo dạy là muốn sau khi chết được lên thiên đàng thì chỉ cần làm theo các giáo điều của đạo như tin chỉ có Allah (Đức Chúa Trời) ngoài Allah ra không có thần nào khác, tin Muhammad là tiên tri của Allah, hướng về thánh địa Mecca cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Hằng năm, giữ chay trong tháng thánh Ramadan (khoảng tháng chín hoặc tháng mười dương lịch), bố thí 1/40 lợi tức cho người nghèo và hành hương thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời. Để giữ chay tháng thánh Ramadan, tín hữu Hồi Giáo phải thường xuyên tịnh tâm cầu nguyện hướng về Allah và nhịn ăn uống từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn mỗi ngày.

Tín đồ Hồi Giáo tin sẽ có ngày phán xét, mỗi người phải ứng hầu trước tòa án của Allah để bị xét đoán mọi điều đã làm lúc còn trong xác thịt. Người không theo Hồi Giáo sẽ bị hành phạt đời đời ở hồ lửa (địa ngục). Tất cả người theo Hồi Giáo sẽ được lên thiên đàng, chỉ trừ một số phải được thanh tẩy hết tội lỗi trước, rồi mới được lên thiên đàng sau.

Hồi Giáo cho rằng giáo chủ Muhammad không có ý sáng lập một đạo mới, nhưng chỉ muốn hướng dẫn dân Ả-rập bỏ phong tục thờ các tà thần để trở lại thờ Allah, như theo lời dạy của tổ phụ mình là Áp-ra-ham và của các tiên tri trong thời Cựu Ước như Môi-se và trong thời Tân Ước như Đức Chúa Giê-xu. (Người Ả rập cho mình là hậu tự của Áp-ra-ham với bà A-ga qua người con tên Ích-ma-ên. Người Do Thái cho mình là dòng dõi của Áp-ra-ham với bà Sa-ra qua người con tên Y-sác).

Không có sử liệu nào cho biết chính xác, nên người ta nghĩ rằng các thương buôn người Ả-rập đem Hồi Giáo đến Việt Nam rất sớm khi họ ghé qua các bến cảng của thành Đồ Bàn, Chiêm Thành, Trung phần,Việt Nam. Đến thế kỷ X, một số lớn người Chiêm Thành theo Đạo Hồi. Đến đời vua cuối cùng của Chiêm Thành tên là Pô-Chơn theo Đạo Hồi, không chịu đựng nổi sự ngược đãi của vua Minh Mạng nhà Nguyễn, nên đã cùng một số thần dân đồng đạo trốn sang Cam Bốt sinh sống ở vùng Kampong Cham. Nhờ vào tài thao lược sẵn có, họ thành lập được một giang sơn nhỏ ở Thabaung Khmum để sinh sống. Trong lúc ở đây, người Chiêm Thành liên tục đánh phá Hoàng Gia Cam Bốt. Năm 1858, người Chiêm Thành bị vua Cam bốt là Hariraks đánh bại, nên họ phải theo dòng sông Cửu Long chạy thoát thân về hướng Nam, rồi được vua Đại Việt cho định cư trong 7 làng riêng biệt ở vùng Châu Giang, Châu Đốc. Hiện nay, có khoảng 12.500 người Chiêm Thành mà người ta cũng gọi là người Chăm hay người “Chà Châu Giang” theo Hồi Giáo vẫn còn sống trong vùng này.

Người theo đạo Hồi giáo ở Việt Nam

Ở Việt Nam có người Chàm, Chăm, Mã Lai, Ấn Độ, Cao Miên, Nam Dương…theo đạo Hồi.

Người Hồi Giáo ở Việt Nam đọc kinh Koran và cầu nguyện mỗi ngày 5 lần, quấn khăn trắng trên đầu để chứng tỏ đã hành hương ở thánh địa Mecca, cử ăn thịt heo, nhưng không bị bắt buộc phải đi hành hương ở thánh địa Mecca như những người Hồi Giáo ở các quốc gia khác.

Năm 2000, trên thế giới có khoảng 1.340.000.000 tín hữu Hồi Giáo. Ở Việt Nam, Hồi Giáo có các đền thờ ở Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh với số tín hữu vào khoảng vài chục ngàn người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ