Biện pháp hiệu quả chống kẻ thù thường dùng nhất của tắc kè hoa chính là tiến hành nguỵ trang thay đổi màu sắc cơ thể, để đề phòng và đánh lừa kẻ địch. Đôi khi toàn thân của nó có màu sắc rất sặc sỡ làm cho kẻ địch sợ không dám đến gần; đôi khi màu sắc cơ thể của nó thay đổi tương tự với môi trường xung quanh, làm cho kẻ địch không thể nào phát hiện được, có tác dụng làm mê hoặc chúng.
Cách đây không lâu, nhà nghiên cứu sinh vật tiến hoá của Trường đại học bang California – Mĩ khi khảo sát trên đảo Mađagaxca ở Châu Phi đã phát hiện, tắc kè hoa ngoài dùng đổi màu để đối phó với kẻ địch ra, còn có hai “vũ khí lợi hại”.
Có một lần, khi đi trong rừng đột nhiên bị vật lạ từ trên cây rơi xuống làm giật mình, định thần nhìn kĩ, hoá ra là một con tắc kè hoa quấn chặt một đoạn cành cây. Có vấn đề gì xảy ra vậy? Ông lại nhìn tiếp lên phía trên, mới hiểu rõ, hoá ra trên cây có một con rắn lớn. Tắc kè hoa sau khi gặp phải kẻ địch, sẽ tung người lên, dùng thế “ve sầu lột xác”, bẻ gẫy cành cây rơi xuống đất.
“Vũ khí lợi hại” thứ hai của tắc kè hoa là dùng “kế để trống thành” để đe doạ kẻ địch. Khi tắc kè bò chầm chậm trên mặt đất, trông rất vụng về buồn cười. Lúc này, nếu gặp phải mãnh thú, mọi người đoán rằng nó vừa chạy không nhanh vừa không thể ngăn cản được, chắc chắn sẽ trở thành mồi trong bụng của mãnh thú. Thực ra, không phải như vậy, có người từng được nhìn thấy tận mắt, một con tắc kè hoa khi gặp phải một bầy chó hoang hung dữ, nó lập tức hít khí, làm cho toàn thân trướng to lên, đồng thời trong miệng phát ra âm thanh kì quái “tư tư”, khiến cho đàn chó sợ hãi không dám đến gần, nhân lúc kẻ địch đang hoảng sợ, tắc kè hoa sẽ thừa cơ chuồn đi.