Nếu bạn chú ý một chút sẽ phát hiện thấy trâu, bò và dê khi đang nghỉ ngơi hoặc nằm nghỉ trên đất, miệng của chúng nhai liên tục, giống như đang ăn một thứ rất khó nghiền nát. Rốt cuộc là có nguyên nhân gì vậy nhỉ?
Hoá ra dạ dày của trâu, bò và dê không giống như các động vật khác, dạ dày của động vật nói chung chỉ có một ngăn, còn dạ dày của trâu, bò và dê lại có 4 ngăn, đó là dạ cỏ hay còn gọi là túi cỏ (ngăn thứ nhất), tổ ong (ngăn thứ hai), lá sách (ngăn thứ ba) và múi khế (ngăn thứ tư).
Túi cỏ là ngăn to nhất trong 4 ngăn, 3 ngăn kia cộng lại cũng không bằng một nửa túi cỏ. Phía trước túi cỏ nối liền với thực quản, phía dưới nối thông với ngăn thứ hai, vì mặt trong của ngăn thứ hai là ô vuông nhỏ hình lục giác, rất giống hình dạng của tổ ong, nên các nhà động vật học gọi nó là tổ ong. Tổ ong thông với lá sách hình bầu dục. Trong lá sách có rất nhiều nếp nhăn lớn bé, một đầu của nó nối liền với múi khế hình quả lê. Trên múi khế có tuyến thể tiết ra dịch tiêu hoá.
Khi trâu, bò và dê ăn cỏ, không nhai kĩ mà nuốt chửng luôn, thức ăn được tạm thời cất trong túi cỏ. Trong túi không có tuyến tiêu hoá, thức ăn trong dạ dày được nước và nước bọt ngâm cho mềm, sau đó lại được vi sinh vật và động vật nguyên sinh trong dạ dày tiêu hoá sơ bộ, thức ăn được tiêu hoá dở dang này lại quay về miệng để nghiền nhỏ lại, thức ăn được nghiền nhỏ này lại được nuốt vào tổ ong, sau đó vào lá sách, cuối cùng được tiêu hoá hoàn toàn trong múi khế. Khi trâu, bò và dê nghỉ ngơi, miệng vẫn không ngừng nhai, đó chính là cỏ cất trong túi cỏ được đưa trở lại miệng để nghiền nát. Loài động vật đưa thức ăn trở lại miệng để nghiền nát này được gọi là động vật nhai lại. Ngoài trâu, bò và dê ra, còn có lạc đà và hươu cũng là động vật nhai lại, tuy nhiên dạ dày của lạc đà chỉ có 3 ngăn.
Nhai lại là một sự thích nghi sinh học của những động vật ăn cỏ này. Chúng có thể gặm rất nhiều cỏ trên cánh đồng bát ngát một cách nhanh chóng và tích trữ thức ăn vào trong túi cỏ, sau đó trở về nơi cư trú mới cho thức ăn đã nuốt trở lại miệng để nhai lại cho thật kĩ.