Hươu cao cổ trong giới động vật còn có tên khác là “gã cao kều”. Một con hươu cao cổ cao nhất trên thế giới cao 5,75 m, cao hơn 1/3 so với con voi cao nhất. Sở dĩ nó trở thành “gã cao kều” chủ yếu là bởi cái cổ rất dài của nó.
Tại sao cổ của hươu cao cổ lại dài đến thế nhỉ?
Nhà khoa học nổi tiếng người Pháp Lamask đã dùng lí luận “dùng tiến bỏ thoái” và “vì tích luỹ được di truyền ” để giải thích quá trình hình thành của hươu cao cổ. Ông nói: Tổ tiên của hươu cao cổ đời đời sinh sống ở trong môi trường xung quanh không có cỏ xanh. Để tiếp tục sinh tồn thì hươu cao cổ phải luôn luôn cố gắng vươn dài cái cổ để ăn những chiếc lá non trên cây. Như vậy, sau khi trải qua nhiều thế hệ, chiếc cổ dần dần trở nên dài ra, cuối cùng đã hình thành chiếc cổ dài như vậy của hươu cao cổ ngày nay. Từ trước đến nay, mọi người vẫn cho rằng lí luận này là chính xác.
Cùng với sự ra đời của di truyền học, học thuyết gen thì ý kiến này càng ngày càng bị nhiều nhà khoa học hoài nghi. Họ cho rằng, thông qua sự nỗ lực sau này không thể đem tính chất và trạng thái di truyền cho đời sau, nếu không thì đời sau của quán quân chạy cự li ngắn nhất định cũng sẽ là người chạy rất nhanh. Rõ ràng đây là lí luận không phù hợp tình hình thực tế.
Trong sách “Nguồn gốc về giống sinh vật” rất nổi tiếng, Darwin năm 1859 đã đưa ra “thuyết đào thải tự nhiên”, tư tưởng trung tâm của thuyết này là cơ thể sinh ra biến dị để thích ứng với môi trường, do cơ thể biến dị giành được ưu thế trong cạnh tranh để tiếp tục sinh tồn, như vậy đời này truyền qua đời khác, thân hình của hươu cao cổ với chiếc cổ dài mảnh đã dần dần giữ vị trí chủ đạo. Song, chiếc cổ dài của hươu cao cổ rốt cuộc có thể di truyền hay không thì lúc đó vẫn chưa rõ ràng lắm.
Hiện nay, tổng hợp các thuyết trên với các học thuyết như “thuyết đột biến”, “thuyết cách li”, “thuyết tiến hoá định hướng”… sinh ra “thuyết tổng hợp” có thể phản ánh được quy luật về mặt di truyền. Học thuyết này trước tiên đã khẳng định sự đột biến trong cơ thể, mà sau khi tính trạng đột biến xuất hiện di truyền, thì tính trạng có liên quan của cả bầy đàn cũng sẽ thay đổi tương ứng, lại thông qua sự đào thải tự nhiên, đã duy trì lại những tính trạng có lợi và loại bỏ đi những tính trạng bất lợi. Chiếc cổ dài của hươu cao cổ chính là được phát triển dần dần như vậy đấy.
Song, những ý kiến trên về cơ bản mà nói cũng chỉ là sự suy đoán của các nhà khoa học, bởi vì quá trình tiến hoá cần lịch sử tương đối dài để hoàn thành, không thể dựa vào những cuộc thử nghiệm trong thời gian ngắn để chứng minh được. Do vậy, chỉ có thông qua sự phát triển không ngừng của khoa học mới có thể làm cho sự suy đoán có xu hướng hợp lí hơn.