Trong vương quốc động vật, hươu cao cổ là động vật có thân hình cao nhất, dường như là cao bằng ba người bình thường. Do đầu của nó cao tít phía trên, cách tim rất xa, để đưa được máu lên đầu thì phải tăng huyết áp trong cơ thể, vì vậy huyết áp của hươu cao cổ lên đến 350 mm cột thuỷ ngân, gấp 3 lần huyết áp của người bình thường.
Huyết áp cao như vậy, nếu là ở người hoặc động vật khác chắc chắn sẽ làm cho mạch máu não bị đứt, dẫn đến xuất huyết não, nhưng hươu cao cổ tại sao không bị như vậy nhỉ?
Thì ra, trong cơ thể của hươu cao cổ có một “bộ máy bảo vệ” rất khác biệt. Các nhà khoa học khi giải phẫu não của hươu cao cổ đã phát hiện ra trong não của nó có một nhóm động mạch nhỏ giống như hải miên, hình dáng như lưới, nằm ở phần đáy não, kết cấu đặc biệt này có tác dụng gì vậy nhỉ?
Hoá ra, khi hươu cao cổ ngẩng cao đầu lên, máu do tác dụng của trọng lực bỗng chốc chảy xuống dưới, nhưng khi chảy đến nhóm tiểu động mạch hình lưới này thì tốc độ sẽ giảm chậm đi nhiều, vì vậy sẽ không xảy ra hiện tượng thiếu máu não đột ngột được.
Hươu cao cổ với thân hình cao lớn như vậy khi muốn uống nước, đầu sẽ hạ xuống vị trí thấp hơn so với tim, lúc này, khi tim đập, huyết áp sản sinh ra sẽ đưa một số lượng lớn máu chảy mạnh vào đại não. Nhưng cũng bởi đã có sự bảo vệ của nhóm động mạch nhỏ hình lưới này nên không thể làm cho não đột ngột sản sinh ra huyết áp rất cao được. Các nhà khoa học khi giải thích hiện tượng này nói rằng, khi máu chảy mạnh về hướng não, trước tiên đi vào trong động mạch nhỏ hình lưới, làm cho mạch máu nhỏ của những động mạch này phình lên, có tác dụng làm chậm lại và hạ thấp huyết áp. Điều này cũng giống như dòng nước chảy xiết thông qua nhiều ống nước nhỏ, khi lại từ ống nước nhỏ chảy về ống nước lớn thì áp lực cũng sẽ giảm bớt như vậy.
Tóm lại, hươu cao cổ đã có bộ máy tuần hoàn máu đặc biệt này, thì bất luận là ngẩng đầu lên hay cúi đầu xuống đều sẽ không xuất hiện hiện tượng não thiếu máu hay chảy máu não được.