Lợn nhà được tiến hoá từ lợn rừng. Khoảng 8000 – 10000 năm về trước, cuộc sống của người nguyên thuỷ là cuộc sống săn bắt, mỗi lần bắt được lợn rừng ăn không hết, hoặc bắt được lợn rừng mẹ đang có thai thì tạm thời đem nuôi. Về sau, những con lợn này lại đẻ ra những con lợn con. Điều này đã gợi mở cho con người bắt đầu có ý thức thuần dưỡng lợn rừng.
Đây cũng chính là sự mở đầu cho việc chăn nuôi lợn của con người.
Các nhà khảo cổ đã trắc nghiệm đồng vị tố với di chỉ khảo cổ ở thôn Bán Ba – Thiểm Tây và đã chứng minh được nghề nuôi lợn ở Trung Quốc đã có lịch sử khoảng 6000 năm.
Đương nhiên để thay đổi được từ một con lợn rừng hung hãn dần trở thành con lợn nhà ngoan ngoãn phải trải qua những năm tháng dài và cả quá trình lao động gian khổ của con người.
Những thói quen của lợn nhà ngày nay nếu ta quan sát vẫn thấy có những dấu vết từ lợn rừng truyền lại cho đời sau. Ví dụ như lợn thích ủi đất và tường vách. Bởi vì khi lợn còn sống hoang dã trong rừng, không có người nuôi và cho ăn, nó chỉ có thể tự mình đi kiếm sống. Đặc biệt nếu lợn muốn ăn những mẩu thân cây và rễ cây ở dưới đất thì về mặt hình thức cấu tạo của lợn đã hình thành cái mũi lồi ra, mõm và xương mũi khoẻ cứng. Lợn dùng chiếc mũi đặc biệt này dũi tung đất ra và dễ dàng lấy được thức ăn trong lòng đất, đồng thời nó ăn luôn một ít đất dính vào rễ cây, củ v.v..
Có thể bạn cảm thấy kì lạ là tại sao lợn ăn đất? Lợn ăn đất vì từ trong đất có chứa các khoáng chất cần thiết cho cơ thể lợn như: sắt, đồng, côban, canxi, phốt pho v.v.. Để cho lợn không ủi đất, dũi tường, nên chọn nguyên liệu rắn, cứng để làm chuồng lợn và nền chuồng. Đồng thời trong thức ăn của lợn chú ý cung cấp đầy đủ các khoáng chất cần thiết cho nhu cầu sinh lí của lợn.