Tắc kè hoa là một loài động vật bò sát, sống ở trong các rừng cây như ở Mađagatxca, lục địa Châu Phi, Anatolia, ấn Độ… Nó thường chờ đợi lặng lẽ trên cành cây, hai mắt đảo đi đảo lại theo các hướng khác để quan sát. Khi côn trùng bay dần đến thì sẽ nhanh chóng vươn chiếc lưỡi dài mà phía đầu lưỡi phình to, có thể tiết ra dịch dính để bắt côn trùng.
Nguyên nhân tắc kè hoa có tên gọi kì lạ này là bởi vì màu sắc cơ thể của chúng hay thay đổi. Vậy thì tại sao nó có thể đổi màu được nhỉ? Trong điều kiện nào thì nó đổi màu vậy?
Hiện nay, chúng ta đã biết trong môi trường sinh tồn của chúng như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm có sự thay đổi, hay chịu sự ảnh hưởng như sợ hãi…, tế bào sắc tố trong da của chúng sẽ có sự dịch chuyển, do đó dẫn đến sự thay đổi về màu sắc. Đây là một kiểu thích nghi của động vật sống trong môi trường tự nhiên.
Giữa biểu bì và chân bì của tắc kè hoa có tế bào sắc tố phân tán, chịu sự khống chế của thần kinh và hoóc môn, thể hiện màu sắc đậm nhạt khác nhau. Do sự hoạt động của các tế bào sắc tố, và tác dụng tương hỗ lẫn nhau sẽ có sự thay đổi về màu sắc. Như khi tế bào sắc tố đen khuếch trương, đa số sẫm lại, hai loại tế bào sắc tố đen và vàng đồng thời thu hẹp, trên da hiện rõ màu xám.
Trong tế bào sắc tố đen có chứa nhân tế bào và những hạt nhỏ màu nâu đen được gọi là sắc tố đen. Hạt sắc tố có thể di chuyển trong tế bào, khi mở rộng ra thì da hiện rõ màu sắc khá sẫm. Tế bào sắc tố đen cũng có thể vận động vươn chân giả ra giống như côn trùng biến hình, khi chân giả co lại màu sắc cơ thể nhạt đi. Tế bào sắc tố trắng dưới sự chiếu rọi ánh sáng với cường độ khác nhau, trên da ánh lên màu xám nâu hoặc màu xanh xám. Tế bào sắc tố vàng có thể làm cho da biến thành màu vàng hay màu xanh lục. Sự giãn ra và co lại của tế bào sắc tố hồng có thể điều tiết được mức độ và sự phân bố của màu hồng. Có người đã từng làm qua hàng loạt các cuộc thử nghiệm, khi tắc kè hoa bị chiếu dưới ánh sáng mạnh, màu sắc cơ thể rất nhạt; khi nó ở trong môi trường tối thì màu sắc cơ thể sẫm lại. Cũng có người cho rằng khi nhiệt độ tăng cao làm cho các sắc tố thu hẹp lại, màu da biến thành màu nhạt; sau khi nhiệt độ hạ thấp, sắc tố da mở rộng ra, màu da thẫm lại, khi khô ráo màu da trở nên trắng bệch. Khi bị sự ảnh hưởng của các loại dược phẩm hoá học cũng có thể làm cho động vật đổi màu. Ngoài những nhân tố tự nhiên đa dạng ảnh hưởng trực tiếp ra, những kích thích tố mà tuyến yên dưới não tiết ra có tác dụng rất lớn đối với việc tránh đổi màu sắc, mà mức độ của lượng kích thích tố tiết ra có liên quan với trường hợp kích thích thần kinh khác nhau. Do vậy, sự thay đổi của màu da để phòng vệ cũng gián tiếp chịu sự khống chế của hệ thống thần kinh.