Cá hố và cá hoa vàng mà chúng ta thường thấy bán trên chợ đều là chết, từ trước đến nay chưa từng nhìn thấy cá hố và cá hoa vàng sống bơi đi bơi lại trong bể nước giống như cá chép, cá mè… rốt cuộc đó là nguyên nhân gì vậy?
Chúng ta biết rằng, cá hố và cá hoa vàng đều sống ở tầng nước biển sâu, còn cá chép, cá mè sống ở tầng mặt trong nước ngọt. Sự khác biệt chủ yếu nhất giữa điều kiện sống của hai loại cá này là áp suất và độ muối.
Trước tiên, hãy nói về áp suất. áp suất trong nước biển nơi cá hố, cá hoa vàng sống lớn hơn nhiều so với ở trong nước ngọt (cá hố và cá hoa vàng sống ở trong tầng nước biển sâu 15 ~ 40 m, suốt ngày chịu áp suất lớn của nước biển). Trong những năm tháng dài dằng dặc, cá hố và cá hoa vàng có cấu tạo bên trong và bên ngoài thích ứng với áp suất của nước biển, như bộ xương mỏng, cơ thịt giàu tính đàn hồi. Nếu như cá sống ở trong nước biển quanh năm, sau khi đột ngột bị bắt khỏi nước, áp suất không khí ở bên ngoài bỗng chốc thấp hơn nhiều so với áp suất của nước biển, không khí ở trong bong bóng phình lên do áp suất bên ngoài giảm xuống bất ngờ, thậm chí có thể bị nứt toác ra do vượt quá thể tích mà nó có thể chứa được. Ngoài ra, áp suất giảm xuống đột ngột, còn có thể dẫn đến một phần huyết quản nhỏ trong cơ thể vỡ ra, trào ngược ra ngoài miệng, và mắt lồi ra ngoài hốc mắt v.v.. Đây đều là những nguyên nhân làm cho cá hố và cá hoa vàng sau khi rời khỏi nước biển sẽ nhanh chóng bị chết.
Có thể có người sẽ hỏi, trên chợ không phải là có bể nước nuôi cá sao, vậy tại sao không nuôi một số cá hố và cá hoa vàng nhỉ? Đây là vấn đề khó. Bởi vì cá biển sau khi rời khỏi nước rất dễ bị chết ngay. Nếu như chọn giữ cẩn thận mấy con cá sống phải thả chúng vào ngay trong bể đựng có chứa nước biển, đồng thời giữ cho nước biển có độ mặn phù hợp, và bể đựng phải có độ sâu nhất định, duy trì áp suất nước thích hợp thì mới có thể chuyển được cá sống đến chợ, nhưng làm như vậy thì giá thành của cá sẽ tăng lên rất nhiều.
Vậy thì dùng nước ngọt để nuôi được không? Không được. Bởi vì độ muối của nước ngọt thấp hơn nhiều so với nước biển. Cá hố và cá hoa vàng có phạm vi thích ứng nhất định đối với độ muối trong nước, do cá nước biển vào trong nước ngọt, áp lực thẩm thấu của nước ngọt nhỏ hơn áp lực thẩm thấu trong thân cá, nước ở bên ngoài sẽ chui vào trong các tổ chức của thân cá một số lượng lớn, dẫn đến tế bào đầy nước, đặc biệt tổ chức máu bị phá hoại, tuần hoàn mất cân bằng thì cá sẽ bị chết. Do vậy, ở chợ không thể dùng nước ngọt để nuôi cá hố và cá hoa vàng sống cung cấp cho người ta chọn mua giống như cá chép và cá mè được.