Thư pháp Trung Quốc và hội hoạ là trong những tinh tuý về văn hoá truyền thống của người Trung Quốc. Ngoài sự khéo léo tinh vi của các nhà hội hoạ, thư pháp giấy Tuyên cũng đóng vai trò quan trọng.
Vì sao giấy Tuyên lại đặc biệt phù hợp với thư pháp và hội hoạ Trung Quốc?
Giấy Tuyên được sản xuất sớm nhất ở Tuyên Châu, tỉnh An Huy (nay thuộc huyện Kinh, tỉnh An Huy), từ đó có tên là giấy Tuyên. Giấy Tuyên là loại giấy quý được sản xuất từ vỏ cây đàn hương và rơm rạ. Mặt giấy trắng mịn, giấy mềm và dai, hút mực đều, có tính hút nước mạnh. Đây là loại giấy quý nổi tiếng từ đời nhà Đường, có hiệu quả đặc biệt, dùng trong nghệ thuật thư pháp và hội hoạ, vì vậy được nhiều nhà thư pháp, hội hoạ ưa chuộng. Giấy Tuyên có tính bắt mực đều, khi đưa ngọn bút lông đẫm mực đến chỗ nào, màu mực được cố định chỉ ở vị trí đó, còn nước thì lan rộng ra xung quanh.
Các nhà thư pháp, danh hoạ tha hồ tung hoành ngọn bút.
Màu mực đen của nét bút đậm nhạt tuỳ ý, rõ ràng, không bị nhoè. Nét đậm có màu mực đen óng ả, nét nhẹ lung linh mờ ảo. Bức tranh có tầng lớp rõ ràng, nét bút sinh động, giấy đã đem lại hiệu quả nghệ thuật đậm nét.
Giấy Tuyên còn được truyền tụng là có “tuổi thọ ngàn năm”. Nhiều bức thư hoạ quý được lưu giữ kể đã hơn nghìn năm vẫn còn giữ vẻ đẹp tươi nguyên. Đó là do giấy Tuyên trải qua nhiều công đoạn chế tác tinh vi, công phu, nên tạp chất trong giấy còn rất ít, trong sợi xenluloza khó xảy ra việc tạo các gốc có màu, nên giấy Tuyên không bị thay đổi màu. Ấu trùng của các loại mối mọt gặm sách báo vốn ưa thích tre trúc lại kị với thành phần gỗ đàn hương, nên các tác phẩm thư hoạ bằng giấy Tuyên không hề bị mối mọt gặm nhấm, có thể giữ gìn lâu dài.
Người ta phân biệt hai loại: giấy Tuyên “sống” và giấy Tuyên “chín”. Giấy Tuyên “chín” là loại giấy Tuyên sống có phủ lên lớp keo phèn (thường là phèn chua nhôm – kali) đặc biệt thích hợp cho các loại hội hoạ mực nước (thủy mặc) cổ truyền của Trung Quốc.