Ủng đi mưa, giầy cao su, dùng lâu thường bị cứng giòn. Người ta gọi đây là hiện tượng “lão hoá”. Hiện tượng cao su bị lão hoá là một vấn đề phức tạp, nói chung là do tác dụng của oxy và ánh sáng Mặt Trời gây nên.
Quê hương của cao su là Nam Mỹ, người Inđien (thổ dân da đỏ) gọi là “nước mắt của cây”. Khi rạch vỏ cây cao su, từ vết rạch sẽ chảy ra nhựa cao su màu trắng sữa giống như giọt nước mắt nên có tên gọi như nói ở trên. Nhựa cao su thường gọi là mủ cao su. Nếu thêm vào mủ cao su một ít axit axetic thì mủ cao su sẽ đông lại thành khối rắn, người ta gọi đó là cao su sống. Phân tử cao su sống giống như một sợi xích nhỏ, cường độ thấp nhưng có tính đàn hồi, dễ bị kéo đứt, rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, khi nhiệt độ tăng, cao su sống sẽ mềm nhũn và trở thành keo dính. Khi gặp nhiệt độ thấp sẽ cứng lại và trở nên giòn và chả còn dùng được vào việc gì. Khi gia công cao su, người ta dùng lưu huỳnh để thay đổi tính chất của cao su. Nguyên tử lưu huỳnh sẽ kết nối các phân tử cao su với nhau, làm cho phân tử cao su có cấu tạo như mạng lưới không gian, nhờ đó tăng cao cường độ cao su lên nhiều lần. Khi gia công cao su, ngoài việc thêm lưu huỳnh, người ta còn cho thêm vào cao su nhiều phối liệu như chất nhuộm màu, chất làm mềm, chất tăng cường, chất bổ sung (phụ gia đệm), chất chống lão hoá. Trong đó tác dụng của chất chống lão hoá để ngăn cao su không bị lão hoá, kéo dài tuổi thọ của nó.
Ánh sáng Mặt Trời có nhiều tia tử ngoại. Ngoài tác dụng diệt vi trùng, diệt khuẩn, tia tử ngoại còn là “kẻ quấy đảo”. Khi tia tử ngoại đã len lỏi được vào bên trong chế phẩm cao su, nó sẽ cắt vụn các mắt xích của phân tử cao su. Đồng thời nhiệt độ cao của ánh nắng Mặt Trời làm nguyên tử lưu huỳnh tách rời khỏi phân tử cao su, phá hoại cấu trúc không gian của phân tử. Do đó cao su sẽ mất tính đàn hồi và lực kết hợp giữa các phân tử giảm, vì vậy các đồ dùng bằng cao su sẽ hư hỏng.
Vì vậy, sau khi bạn rửa ủng đi mưa và giày cao su, bạn nên để chúng vào nơi râm mát, thoáng gió mà không đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng Mặt Trời hoặc hong ở gần các lò lửa. Không nên để ủng cao su, giày cao su cùng một nơi có dầu, mỡ, vì các phân tử dầu có thể xen vào giữa các phân tử cao su, tách các phân tử cao su rời khỏi nhau, khiến ủng và giày cao su bị trương và biến dạng.