Vì sao ở các thành phố công nghiệp lại có ô nhiễm quang hoá?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Vào năm 1943, ở thành phố Los Angeles của nước Mỹ bỗng nhiên có đám khói mù màu xanh nhạt bay chầm chậm trên bầu trời. Không ít cư dân trong thành phố cảm thấy khó thở, mắt bị đỏ, số người bị viêm mũi, viêm họng gia tăng. Tháng 11 – 1952, ở thành phố Califonia lại xảy ra sự kiện tương tự, gây tử vong cho hơn 400 cụ già trên 65 tuổi. Vậy trong không khí đã xảy ra sự kiện gì vậy? Bí mật của “khí độc” này là gì?

Nguyên do là chất khí loại oxit nitơ cùng những chất khí có hại khác khi đạt đến nồng độ nào đó, dưới tác dụng của ánh sáng Mặt Trời đã gây ra một số phản ứng hoá học phức tạp, tạo nên hệ thống các chất khí độc hại xanh nhạt. Đối với hệ thống đường hô hấp của người như lỗ mũi, cuống họng, cuống phổi và phổi, các chất khí độc sẽ gây tác dụng kích thích rất mạnh gây nên bệnh cho đường hô hấp. Nhiều thành phố lớn ở các nước khác trên thế giới như Canađa, Nhật Bản, Úc, Hà Lan… đều đã xảy ra các hiện tượng tương tự. Ở nhà máy hoá dầu Tây Cố thuộc thành phố Lan Châu, Trung Quốc cũng đã xảy ra sự cố “mây mù độc” vào năm 1974.

Vì sao hiện tượng mây mù độc lại xuất hiện ở những thành phố công nghiệp phát triển? Các nhà khoa học gọi hiện tượng mây mù độc là mây mù quang hoá. Chúng ta đều biết rằng ở các thành phố công nghiệp lớn, tập trung một lượng lớn khí thải của ô tô và các nhà máy công nghiệp.

Đó chính là cơ sở cho việc sinh ra ô nhiễm quang hoá. Loại khí thải này được gọi là tạp chất ô nhiễm sơ cấp, trong đó chủ yếu là các nitơ oxit và cacbon oxit. Dưới tác dụng của bức xạ Mặt Trời (chủ yếu là các tia tử ngoại có bước sóng lớn hơn 350nm), các chất ô nhiễm sơ cấp sẽ phát sinh các phản ứng quang hoá tạo thành các chất ô nhiễm thứ cấp là ozon, metan…

Khi các chất ô nhiễm thứ cấp đạt đến nồng độ nhất định nào đó trong không khí sẽ tạo thành các chất ô nhiễm ở trạng thái mây mù.

Sự ô nhiễm quang hoá không chỉ gây tác hại cho sức khoẻ con người mà còn gây tác hại lớn cho thực vật, thậm chí làm cao su bị lão hoá, làm nhạt màu của chất màu…

Mây mù quang hoá có liên quan đến hoàn cảnh địa lý của các thành phố, điều kiện nhiệt độ, vận tốc gió… Ví dụ ở các thành phố Los Angeles, Califonia (Mỹ), nhiều lần xảy ra hiện tượng mây mù quang hoá liên quan chặt chẽ đến điều kiện địa lý có ba mặt núi bao quanh ở hai thành phố.

Nhưng nói chung, đứng đầu “các tội danh” gây ô nhiễm quang hoá là khí thải do ô tô và các nhà máy công nghiệp thải ra.

Chỉ có cách cải tiến kỹ thuật giảm được nguồn khí thải mới cải thiện được nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm quang hoá.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ