Vào thời xa xưa người ta đã biết dùng quả bồ kết để giặt quần áo. Ở Châu Âu, thời xưa người ta đã biết dùng tro cây cỏ, mỡ sơn dương và nước để chế tạo một loại chất giặt tẩy. Đây là hình thức sơ khai của xà phòng.
Ngày nay đã xuất hiện rất nhiều loại xà phòng: xà phòng rửa tay, rửa mặt, xà phòng giặt… Thế bạn có biết các loại xà phòng này khác nhau như thế nào không?
Xà phòng giặt là muối natri của các axit béo bậc cao. Trong loại xà phòng này còn có thuỷ tinh nước và một số chất kiềm khác có tác dụng ăn da mạnh nên không thích hợp cho việc tắm, rửa mặt, rửa tay.
Xà phòng thơm có độ tinh khiết cao hơn, dùng các dầu béo loại tinh khiết để chế tạo, hàm lượng chất kiềm dư trong xà phòng nhỏ nên tác dụng kích thích với da rất ít. Người ta thường dùng dầu dừa, dầu ô liu, dầu trám để chế tạo xà phòng thơm. Dầu ô liu là chất rắn màu trắng. Dầu trám có màu vàng nhạt hoặc xanh lục. Dùng dầu ô liu chế tạo xà phòng thơm sẽ cho nhiều bọt khi sử dụng, tác dụng tẩy rửa mạnh, cứng, khó bị biến chất. Dầu trám cho loại xà phòng êm dịu, không có tác dụng kích thích đối với da. Khi chế tạo xà phòng thơm người ta có thêm hương liệu như tinh dầu hoa nhài, tinh dầu hoa hồng, nên xà phòng thơm cho mùi thơm hấp dẫn, dễ chịu.
Xà phòng dược phẩm có nhiều loại: như “xà phòng lưu huỳnh” để chữa ghẻ, mụn nhọt; “xà phòng benzen” để trị nấm da; “xà phòng boric”, “xà phòng phenol” có tính sát trùng… Về thành phần, các loại xà phòng dược phẩm không khác xà phòng phổ thông mấy, chỉ có thêm chất sát trùng thích hợp mà có công dụng riêng.
Ví dụ trong xà phòng phenol có chứa phenol là chất sát trùng mạnh. Phenol làm cho các protein trong vi khuẩn đông cứng lại, nên diệt được các loại vi khuẩn.
Trong các hiệu cắt tóc, các bạn có thể gặp loại xà phòng nước là loại xà phòng béo kali (gọi là xà phòng kali) hoà tan vào nước để tạo nước xà phòng.