Bụi lơ lửng và bụi lắng đều là các hạt bụi trong không khí. Bụi trong không khí có thể phân thành bụi cấp I và bụi cấp II. Bụi cấp I là những nguồn ô nhiễm tự nhiên và nguồn ô nhiễm do con người gây ra trong không khí. Bụi cấp II là do những chất ô nhiễm trong không khí tác dụng hóa học với oxi hoặc nước trong không khí mà chuyển hóa thành.
Sự khác biệt giữa bụi lơ lửng và bụi lắng là ở chỗ đường kính của chúng khác nhau và dưới tác dụng của trọng lực, tốc độ lắng xuống của chúng cũng khác nhau. Bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn 10 μm, còn nhỏ hơn cả vi khuẩn, có thể bay lơ lửng mãi trong không khí, ngắn thì mấy tháng, dài thì hàng năm. Người ta thông qua lượng bụi rơi xuống để phán đoán độ tinh khiết của không khí. Nói chung, nếu lượng bụi hàng tháng lắng xuống trên 1 km2 là 30 tấn thì khi đó không khí ô nhiễm mức trung bình, nếu là 50 tấn đó là ô nhiễm mức nghiêm trọng, nếu là 100 tấn trở lên đó là ô nhiễm rất nghiêm trọng.
Cố nhiên bụi lắng xuống đã đáng sợ, song bụi lơ lửng càng đáng sợ hơn. Những hạt bụi li ti có thể bay trôi nổi trong không khí chứa rất nhiều loại kim loại độc và chất gây ung thư. Chúng đi theo đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể gây nên viêm khí quản mãn tính, đi sâu vào phổi gây nên phổi nhiễm bụi và phổi silic, thậm chí gây thành khối u. Bụi lơ lửng còn làm yếu ánh nắng chiếu sáng và giảm thấp tầm nhìn, khiến cho trong không khí có mây mù. Nồng độ bụi lơ lửng có thể dùng phương pháp trọng lượng hoặc hệ số thấu sáng và hệ số phân tán để xác định. Dùng máy lấy mẫu với lưu lượng lớn ngoài việc có thể xác định nồng độ bụi lơ lửng, còn có thể xác định thành phần các chất có hại trong bụi.
Trong khu dân cư nồng độ cho phép bụi bay lơ lửng một lần là 0,50 mg/m3, bình quân hàng ngày là 0,15 mg/m3. Sự kiện sương mù xảy ra trong các ngày 5 – 8/12/1952 ở London nồng độ bụi trong không khí cao nhất đạt đến 4,46 mg/m3, tức cao gấp 10 lần so với bình thường. Số người chết khoảng 4.000 người, ba tháng sau còn tiếp tục chết 8.000 người. Sự kiện sương mù ở London chủ yếu là do bụi than lơ lửng gây nên. Hồi đó toàn nước Anh hầu như bị che phủ bởi lớp bụi mù đậm đặc.