Vì sao không thể nhập khẩu rác thải?

Mấy năm trước, vùng duyên hải Trung Quốc xôn xao dư luận sẽ nhập khẩu rác thải nước ngoài. Người ta xì xào thắc mắc không hiểu vì sao lại nhập rác thải nước ngoài? Nguyên là có một số xí nghiệp nước ngoài tính toán thấy kinh phí xử lí rác thải ở nước đó cao, nếu chở rác đến nước đang phát triển thì chỉ cần mất kinh phí vận chuyển, sau đó bỏ ra một ít tiền để trả phí xử lí là được. Vì vậy họ thà vận chuyển rác thải ra nước ngoài còn hơn xử lí trong nước. Một số vùng duyên hải Trung Quốc, có người vì tham lợi ích trước mắt nên đã hồ đồ nhập rác thải của các nước phương Tây. Ngày nay Trung Quốc hàng năm riêng rác thải sinh hoạt đã lên đến 80 triệu tấn. Từ những bức ảnh chụp trên vệ tinh thấy rõ, hầu như tất cả những thành phố lớn và vừa của Trung Quốc đều bị rác thải bao quanh. Thực tế là ngay rác thải trong nước chúng ta cũng chưa đủ sức để xử lí hết, càng chưa nói đến xử lí rác thải mua từ các nước phương Tây.

Rác thải chất đống nhiều không những ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Rác thải của Mỹ hầu như có đến một nửa đã gây ô nhiễm cho nguồn nước. Sông Pôtômac đã từng được mệnh danh là “dòng sông bị rác thải ngập đầy”. Hồ Postơn của Đức phong cảnh vốn rất đẹp, trước kia là một thắng cảnh du lịch rất tốt, nhưng ngày nay một số bể bơi quanh hồ vì rác thải quá nhiều mà phải ngừng sử dụng. Ở Trung Quốc, sự kiện rác thải gây ô nhiễm nước cũng không ít. Thành phố Cẩm Châu có nhà máy luyện kim, trong đống rác thải chất ngoài trời của nhà máy có chứa phế thải crom khiến cho nguồn nước xung quanh bị ô nhiễm, làm cho nhiều giếng nước không dùng được. Rác thải còn chứa nhiều loại vi khuẩn nên thường là nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Các chất độc trong rác thải công nghiệp đối với cơ thể con người cũng có tác hại rất lớn.

Các bãi chôn rác thải còn dễ gây ra sự sụt lở đất hoặc hỏa hoạn. Rác thải chất quá cao cũng giống như núi dễ bị sạt lở. Ở Anh có một bãi rác thải chất cao 244 m, gây sạt lở làm 800 người chết. Trong bãi chôn rác thải còn chứa nhiều vật dễ bốc cháy, rất dễ phát sinh hỏa hoạn. Một ngày tháng 4/1980, ở Mỹ có một bãi rác hóa học đã nổ tung, sóng xung kích của tiếng nổ khiến cho cửa sổ ngôi nhà cao tầng cách xa đó 10 km rung chuyển mạnh, dân cư xung quanh đều rất sợ hãi.

Do đó có thể thấy sự nguy hại của rác thải vô cùng lớn. Nó không những uy hiếp đến môi trường của chúng ta mà còn có thể làm hại đến hàng nghìn năm sau, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người. Chúng ta tuyệt đối không thể tham một món lợi nhỏ trước mắt mà nhập khẩu rác thải phương Tây. Để khống chế những chất có hại của rác thải chuyển ra ngoài, làm hại môi trường của con người, quốc tế đã qui định “Công ước Vecxây”. Trung Quốc đã tham gia kí kết Công ước đó. Để đảm bảo chất lượng sức khỏe và môi trường cho nhân dân, Tổng cục Bảo vệ môi trường quốc gia và Tổng cục Hải quan đã có qui định nghiêm ngặt cấm nhập khẩu rác thải.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ