Vì sao phải hạn chế tăng trưởng dân số?

“Ngày nay, dân số tăng nhanh là một thách thức to lớn đối với loài người. Dân số tăng nhanh đưa lại hàng loạt áp lực đối với tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, nguồn năng lượng, môi trường đô thị, môi trường sinh thái.

Cùng với dân số tăng nhanh, nhu cầu lương thực của loài người cũng tăng lên. Lương thực do nguồn thu hoạch mùa màng đưa lại. Song dân số tăng nhanh xung đột gay gắt với tài nguyên đất đai. Tốc độ tăng lương thực không đuổi kịp tốc độ tăng dân số, khiến cho việc cung cấp lương thực trên thế giới ngày càng căng thẳng. Ở Châu Phi, tốc độ tăng dân số nhanh hơn tốc độ tăng lương thực. Ngay ở Trung Quốc, diện tích canh tác bình quân đầu người năm 1950 là 0,18 ha, đến năm 1980 giảm xuống còn 0,1 ha, chưa bằng 1/3 diện tích canh tác bình quân đầu người trên thế giới 0,37 ha. Đến năm 2000, diện tích canh tác bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ còn 0,08 ha. Cùng với diện tích canh tác bình quân đầu người giảm thấp thì số người mỗi ha canh tác cần phải nuôi sống không ngừng tăng lên. Năm 1950 là 5,5 người, năm 1980 tăng lên đến 9,8 người, đến năm 2000 là 12 người. Theo trình độ sản xuất của Trung Quốc hiện nay thì diện tích bình quân cần thiết cho một đầu người là 0,2 ha, như thế mới bảo đảm nuôi sống toàn bộ dân số đồng thời duy trì sự phát triển cho kinh tế và công nghiệp. Song diện tích đất đai bị sa mạc hóa, đất bị xói mòn, công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển nhanh đã làm mất nhiều diện tích, khiến cho diện tích canh tác của Trung Quốc mỗi năm giảm từ 470 – 670 ngàn ha.

Để việc cung cấp lương thực đáp ứng tốc độ tăng trưởng dân số, người ta phải dùng nhiều biện pháp, như dùng một lượng lớn phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao sản lượng, hoặc mở rộng diện tích khai hoang. Những biện pháp này đều phải trả giá bằng sự phá hoại môi trường, vì dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhiều sẽ làm cho đất khô cằn, môi trường bị ô nhiễm, lượng sử dụng thuốc diệt côn trùng tăng lên, cuối cùng làm cho sản lượng thu hoạch giảm thấp.

Tăng trưởng dân số còn gây nên nhu cầu tiêu dùng về gỗ, khiến cho rừng bị chặt phá nghiêm trọng, diện tích rừng giảm xuống. Rừng là kho báu màu xanh để bảo đảm chất lượng môi trường cho con người, rừng cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống sinh thái lục địa. Từ năm 1850 đến nay 1 tỉ ha rừng đã bị chặt phá, diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn một nửa. Trong thập kỉ 80, ở Braxin, Inđônêxia… rừng nhiệt đới mỗi năm bị chặt phá khoảng 2 triệu ha. Bờ Biển Ngà là một trong những vùng có tỉ lệ tăng dân số cao nhất thế giới.

Năm 1987, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên của vùng này là 3%, mỗi năm tỉ lệ diện tích rừng bị tổn thất là 5,9%. Ở Trung Quốc, tốc độ tăng dân số rất nhanh. Nhiều vùng nông thôn để giải quyết đất canh tác thiếu, đã san phẳng từng cánh rừng làm ruộng. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên cao nhất là tỉnh Tứ Xuyên. Sau ngày giải phóng, tỉ lệ rừng che phủ của Tứ Xuyên là 19%, đầu thập kỉ 80 giảm xuống chỉ còn 13%, dẫn đến hệ thống sinh thái bị phá hoại nghiêm trọng.

Nước đối với nhân loại là loại tài nguyên cần thiết không thể thiếu. Nước trên Trái Đất vô cùng dồi dào. Trước đây loài người chưa bao giờ cảm thấy bị thiếu nước. Nhưng ngày nay, Trung Quốc do tăng trưởng dân số nhanh khiến cho nguồn nước trở nên vô vùng căng thẳng. Dân số tăng nhanh ảnh hưởng đến tổng lượng tài nguyên nước. Việc vây lấn mặt hồ biến thành ruộng đã làm giảm diện tích nước bề mặt, khai thác nước ngầm quá mức cũng làm giảm thấp trữ lượng nước. Nước phế thải công nghiệp gây ô nhiễm, khiến cho nguồn nước vốn đã thiếu càng thiếu hơn.

Dân số tăng nhanh còn khiến cho việc cung cấp năng lượng thêm khó khăn, rút ngắn thời gian tiêu hao hết dự trữ các năng lượng hoá thạch. Vì năng lượng là cơ sở quan trọng để con người tiến hành sản xuất và nâng cao mức sống, nên mức tiêu hao năng lượng đã trở thành tiêu chí để đo trình độ tiến bộ và văn minh của nhân loại. Trong nguồn năng lượng đang sử dụng hiện nay có đến 95% là năng lượng hoá thạch. Theo tài liệu thống kê vào giữa thập kỉ 80, lượng tiêu hao năng lượng toàn thế giới quy ra than tiêu chuẩn mỗi năm ước khoảng 11 tỉ tấn, sự tăng trưởng tiêu hao năng lượng tất nhiên sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Dân số tăng nhanh cũng gây nên sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, khiến cho số lượng và loài sinh vật giảm thấp, chủng loài sinh vật bị tiêu diệt nhiều.

Ngày nay loài người đang đứng trước nguy cơ về môi trường trước đây chưa từng gặp, như hiện tượng mưa axit, hiệu ứng nhà kính, tầng ôzôn bị phá hoại v.v… không vấn đề nào là không quan hệ đến do tăng dân số. Môi trường sinh thái bị phá hoại đã đưa lại những tai họa khủng khiếp, nguy cơ sinh thái sẽ trở thành mối hiểm họa lớn nhất cho nhân loại trong thế kỉ XXI. Con đường cứu thoát duy nhất là loài người hãy tự kiềm chế mình, bắt đầu từ bây giờ phải cố gắng khống chế tốc độ tăng trưởng dân số, trong một thời gian ngắn phải dần dần đưa dân số tăng trưởng xuống số 0.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ