Vì sao không thể tùy ý làm khô đầm lầy?

“Đầm lầy là chỉ những vùng địa thế đất phẳng và thấp, khó thoát nước, mặt đất ẩm ướt, những loài cây háo ẩm, háo nước thường mọc và là những vùng trũng tích tụ than bùn.

Đầm lầy phân bố rất rộng, trên thế giới có rất nhiều vùng có đầm lầy. Ở Châu Á có vùng Xibiri, Châu Âu có Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Bắc Mỹ có Canađa, Mỹ, v.v.. và nhiều vùng khác đều có đầm lầy rất lớn. Ở Trung Quốc đầm lầy chủ yếu phân bố ở bình nguyên Đông Bắc, cao nguyên Thanh Tạng, Sơn Lộc thuộc Thiên Sơn, bình nguyên Hoa Bắc và khu vực hạ lưu sông Trường Giang.

Đầm lầy thuộc vùng tài nguyên chưa được khai thác đầy đủ. Có nơi, để khai thác và lợi dụng đầm lầy được nhiều hơn, người ta đã hút khô nước đầm lầy, khiến cho nó biến thành ruộng để trồng trọt. Mấy năm gần đây, một số nước như Phần Lan, Thụy Điển, v.v… đã phải tưới nước vào những vùng trước đây đã làm khô để biến thành đất canh tác, khiến cho nó phục hồi như cũ. Vì sao phải làm như thế?

Nguyên do bản thân đầm lầy vốn có thể mang lại những lợi ích nhất định về sinh thái và hiệu quả kinh tế. Lấy một đầm lầy ở tỉnh Quý Châu vùng Tây Nam Trung Quốc làm ví dụ. Đầm lầy rộng mấy chục kilômét vuông, cỏ tạp rậm rạp, đứng xa trông như một biển màu xanh. Đó là vùng để các loài chim sinh sống tốt nhất, những loài chim trú đông có trên 50 loài, trong đó có loài sếu đầu đỏ là động vật bảo hộ cấp I của quốc gia, ngoài ra còn có rái cá, hải ly và những con thú có lông da quý. Chúng sinh sống và phát triển ở đó. Đầm lầy ngoài là quê hương trù phú của các loài chim, còn không ngừng bốc lên một lượng hơi nước rất lớn vào trong không khí, khiến cho không khí mát mẻ. Vì vậy tiểu khí hậu vùng đầm lầy khá tốt, hàng năm mưa thuận gió hòa.

Những năm đầu thập kỉ 70, con người để tăng lương thực đã chi phí một khoản tiền rất lớn để làm khô đầm lầy nhằm biến thành đồng ruộng. Kết quả các loài chim, cá trong đầm lầy bị tiêu diệt, những loài chim khác không đến trú đông, tiểu khí hậu xấu đi, sản lượng lương thực giảm thấp đáng kể. Người ta tính toán rằng, sau khi biến đầm lầy thành ruộng, hiệu quả kinh tế chỉ bằng 1/161 so với trước kia, rõ ràng lợi bất cập hại. Do đó người ta lại tưới nước vào ruộng khiến cho bộ mặt đầm lầy được khôi phục như cũ, hòn ngọc màu xanh trên cao nguyên Vân Quý lại lấp lánh như xưa.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ