Thế nào là thuế môi trường?

“Thuế môi trường là loại thuế hoàn toàn mới, nó được lập ra do môi trường sinh thái ngày càng bị xấu thêm.

Chúng ta đều biết môi trường sinh thái có thể dung nạp hoặc làm sạch những chất ô nhiễm do hoạt động kinh tế xã hội gây ra, đồng thời lại có thể cung cấp vật chất cho các hoạt động kinh tế xã hội đòi hỏi. Cho nên từ góc độ kinh tế mà nói, môi trường sinh thái là một loại tài nguyên, hơn nữa cùng với sự phát triển của xã hội, nó ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Tính khan hiếm đó được thể hiện ở giá trị môi trường sinh thái. Nhưng dưới chế độ kế hoạch truyền thống, tài nguyên môi trường sinh thái luôn bị xem là không có giá trị, có thể tùy ý chiếm dụng không cần bồi thường, kết quả hình thành hiện tượng kì quái là “tài nguyên không có giá trị, nguyên liệu giá thấp, sản phẩm giá cao”. Cho nên thuế môi trường thực tế có thể xem là khoản kinh phí để bù đắp cho sinh thái môi trường đã bị sử dụng. Nó thể hiện sự bù đắp của người khai thác hoặc người tiêu phí môi trường dưới hình thức thuế để cân bằng với sự ô nhiễm hoặc sự phá hoại môi trường sinh thái. Nó thể hiện nguyên tắc khai thác, lợi dụng, bảo vệ môi trường sau: “Ai gây ô nhiễm môi trường thì người đó phải xử lí, ai khai thác thì phải bảo vệ, ai phá hoại thì phải khôi phục, ai lợi dụng thì phải đền bù, ai thu lợi thì phải trả giá”.

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng các biện pháp để quản lí đối với các hoạt động khai thác môi trường sinh thái, trong đó bao gồm thuế khai thác, quỹ tín dụng hỗ trợ. Ở Pháp năm 1960 đã thông qua một đạo luật: Nhà nước có quyền thu thuế đối với thiên nhiên của khu vực, hoặc đối với khu vực có tính nhạy cảm, dùng tiền thuế đó để làm quỹ hỗ trợ công khai cho khu vực trồng cây xanh, hoặc trồng rừng. Ngoài ra năm 1975 nước Pháp thực hiện thu thuế khai thác cát đối với công ty khai thác cát trong lòng đất hoặc ở bãi cát. Khoản thuế này chủ yếu dùng vào việc khôi phục môi trường mặt đất sau khi bị khai thác. Ở Đức năm 1989 bắt đầu thu thuế sinh thái, có những khu vực còn thu loại thuế đặc biệt về bảo vệ môi trường thiên nhiên, thuế trồng cây, thuế hỗ trợ bảo vệ môi trường v.v.. Ngoài thu thuế ra, pháp luật Đức còn dùng phương thức “thu phí” để giải quyết vấn đề môi trường và sinh thái. Ví dụ trong việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác nguồn nước, thải các chất có độc và thiêu đốt đều phải nộp phí. Ở Mỹ, đối với những hầm mỏ đã hoang phế thì thu phí khai thác, mỗi tấn than nộp 35 xen. Tiền thu phí này chỉ dùng để khôi phục cảnh quan mặt đất của những khu mỏ đã bỏ hoang. Ở Thụy Điển có một chế độ thu phí rất hoàn chỉnh và lành mạnh, trong đó bao gồm đại bộ phận là các khoản thuế có liên quan với môi trường sinh thái, như thuế năng lượng, thuế thải khí cacbonic, thuế thải khí sunfurơ. Bỉ là nước đầu tiên ở châu Âu thu “thuế xanh”. Sau khi phải nộp thuế này, người tiêu dùng thải những sản phẩm có hại ra môi trường rất ít.

Ở Trung Quốc hiện nay chưa chính thức thu thuế môi trường, nhưng năm 1993 toàn quốc đã có 17 vùng triển khai công tác thu thuế bù đắp cho môi trường sinh thái. Những khoản thu này đều liên quan đến việc khai thác các hầm mỏ, đất đai, du lịch, các nguồn tài nguyên nước, rừng, thảo nguyên và các thực vật dùng làm dược liệu.

Trong cơ chế kinh tế thị trường, thu thuế tài nguyên là một biện pháp kinh tế có hiệu quả để bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng việc thực thi nó đòi hỏi phải có những chính sách tương ứng để hỗ trợ và những văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ