Thế nào là sinh vật tích lũy và sinh vật phóng đại?

“Vừa đọc xong tiêu đề này chắc bạn sẽ nảy ra hàng loạt nghi ngờ. Vì sao sinh vật lại tích lũy và phóng đại? Chúng tích lũy và phóng đại cái gì? Chúng tiến hành tích lũy và phóng đại ra sao? Xem ví dụ dưới đây bạn sẽ hiểu.

Bỏ ốc vào trong dung dịch oxit thủy ngân với nồng độ 50 mg/l, đo hàm lượng thủy ngân trong ốc ta sẽ phát hiện 7 ngày đầu đạt đến 25 mg/kg, tức là nồng độ được tích tụ lại 500 lần, sau 14 ngày đạt 35 mg/kg; sau 19 ngày đạt 40 mg/kg, sau 42 ngày tăng lên đến 60 mg/kg, nồng độ tích tụ lại cao đạt 1.200 lần. Điều đó chứng tỏ trong quá trình lâu dài, con ốc không ngừng tích tụ thủy ngân lấy từ trong môi trường xung quanh, khiến cho nồng độ thủy ngân trong cơ thể nó ngày càng cao. Sinh vật trong quá trình lâu dài không ngừng tích tụ những chất khó phân giải trong môi trường, dẫn đến hiện tượng nồng độ các chất đó trong cơ thể chúng ngày càng cao, ta gọi đó là sinh vật tích lũy. Sự tích lũy ở những giai đoạn khác nhau của quá trình sinh trưởng của sinh vật có khác nhau. Sinh vật khác nhau sẽ tích lũy những nguyên tố hoặc hợp chất khác nhau. Ví dụ loài tảo nâu có thể tích lũy một lượng lớn asen, rêu có thể tích lũy chì, loài thực vật thủy sinh có thể tích lũy DDT v.v.. Sự tích lũy này của sinh vật đối với các chất ô nhiễm có thể dùng làm chỉ tiêu để đo môi trường và nghiên cứu quy luật di dời, chuyển hóa của các chất gây ô nhiễm. Ngoài ra còn có thể dùng nó làm biện pháp sinh vật học để xử lí ô nhiễm môi trường.

Chúng ta lại xem một ví dụ về sinh vật phóng đại. Trong hệ thống sinh thái lục địa ở Bắc Cực tồn tại chuỗi thức ăn: rêu → tuần lộc Bắc Mỹ → báo. Trong cơ thể của các loài sinh vật này, chất xeri – 137 có tính phóng xạ mạnh sẽ tích lũy tăng lên tuỳ theo cấp độ chuỗi thức ăn, phân biệt là 210 – 300 becơren/kg (Bq/kg), 395 – 730 Bq/kg, 1.260 Bq/kg (1 becơren là một nguyên tử suy biến trong 1 giây). Hiện tượng này gọi là sinh vật phóng đại, nó chỉ rõ nồng độ một nguyên tố hoặc hợp chất khó phân giải ở trong cơ thể sinh vật được tăng lên theo chuỗi thức ăn. Các loài sinh vật khác nhau đối với các chất phóng đại cũng có tác dụng khác nhau. Ví dụ trong hệ thống sinh thái biển, loài tằm cát có tác dụng phóng đại sinh vật đối với các kim loại nặng như sắt, bari, kẽm v.v.. tương đối lớn, ốc và tôm kém hơn, cua xanh thấp nhất.

Vi sinh vật có tác dụng phóng đại đối với các chất độc trong môi trường, nên cho dù là ở mức vi lượng cũng vẫn gây nên độc hại đối với sinh vật, nhất là đối với những sinh vật ở cuối chuỗi thức ăn, thậm chí uy hiếp đến cả sức khỏe của con người. Vì vậy nghiên cứu sinh vật phóng đại, đặc biệt là giám sát những chất ô nhiễm có khả năng gây ra sinh vật phóng đại trong chuỗi thức ăn sẽ giúp chúng ta tìm hiểu sự di dời các chất ô nhiễm trong môi trường, xác định nồng độ an toàn của chúng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ