Ngày nay, chất lượng nước của sông hồ đều giảm thấp, đó là do một lượng lớn nước thải sinh hoạt lẫn vào. Trong nước thải sinh hoạt thì chất tẩy rửa là thành phần chủ yếu. Hằng năm Trung Quốc tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn bột giặt chứa phôtpho, vì vậy nước phế thải chứa phôtpho gây ô nhiễm cho sông, hồ rất lớn.
Trong bột giặt có chứa hợp chất của phôtpho. Chúng có thể kết hợp với ion của các chất axit, magiê làm giảm độ cứng của nước, từ đó mà nâng cao hiệu quả tẩy rửa. Nhưng sau khi tẩy rửa lại sản sinh ra một lượng lớn nước phế thải chứa phôtpho. Vì phôtpho là chất dinh dưỡng cần thiết cho thực vật sinh trưởng, cho nên sau khi phôtpho tăng lên sẽ khiến cho các loài tảo sống trong nước sinh sôi nảy nở. Loài tảo nhiều sẽ tiêu phí oxi hoà tan trong nước nhiều, dẫn đến chất lượng nước kém đi, cá bị chết. Lúc đó nước biến thành giàu dinh dưỡng.
Chúng ta đều biết, nguyên tố dinh dưỡng quan trọng nhất quyết định các loại tảo sinh trưởng là nitơ và phôtpho. Vậy nếu hạn chế nguyên tố nitơ thì có thể ngăn cản nước phát sinh giàu dinh dưỡng được không? Chắc chắn là không. Vì các loài tảo có thể cố định nguyên tố nitơ từ trong không khí theo nhu cầu của chúng, sau khi các loài tảo chết đi, vi sinh vật sẽ phân giải chúng để được nitơ, nitơ lại bị các loài tảo khác lợi dụng trở lại.
Qua thực nghiệm, các nhà khoa học đã xác định được, chỉ có hạn chế nguyên tố phôtpho trong nước mới có thể ngăn ngừa nước phát sinh giàu dinh dưỡng. Vì vậy, hạn chế sử dụng bột giặt chứa phôtpho thì có thể khống chế nước giàu dinh dưỡng một cách có hiệu quả.
Ngày nay, hằng năm Trung Quốc thải vào các sông, hồ khoảng 0,45 triệu tấn phôtphat. Vì vậy nhiều ao hồ và những vùng gần biển đều rơi vào trạng thái giàu dinh dưỡng. Ví dụ Thái Hồ vì chứa phôtpho quá mức nên loài tảo lam phát triển rất mạnh; hồ Chân ở Vân Nam vì chứa nhiều nước thải có phôtpho nên chất nước xấu đi. Từ năm 1990 – 1996 ở bờ biển Bột Hải đã phát sinh hàng chục lần “triều đỏ” làm cá chết rất nhiều. Các hợp chất của phôtpho trong bột giặt khiến cho nước sông hồ xấu đi rất nhanh, nên nhiều hồ đã biến thành “hồ chết”.
Ngoài ra, các hợp chất phôtpho cũng sẽ gây ra nhiều loại u ác tính. Có một số nước từ những năm 80 của thế kỉ XX đã quy định “cấm phôtpho” trong chất tẩy rửa. Nhật Bản Canada, Thuỵ Điển, v.v… đều đã thực hiện chất tẩy rửa không có phôtpho. Ở Trung Quốc, vùng Thái Hồ, Hàng Châu, v.v… từ năm 1998 đã bắt đầu cấm dùng phôtpho trong chất tẩy rửa. Điều đó mở màn cho một cuộc cách mạng “chất tẩy rửa xanh” của Trung Quốc.