Vì sao nói rượu ngon là nhờ môi trường thiên nhiên tốt đẹp?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Nước là máu của rượu”. Câu nói này không có gì quá đáng. Trong 18 loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc thì phần lớn đều được nấu bằng nguồn nước ngầm có chất nước rất tốt, đặc biệt là nước suối Cam Liệt, Xương Huỳnh. Những nguồn nước này đều bắt nguồn từ môi trường thiên nhiên rất tốt đẹp.

Năm 1916, rượu Phần tỉnh Sơn Tây được huy chương vàng ở Triển lãm quốc tế Panama. Loại rượu này nổi tiếng tất nhiên là nhờ kĩ thuật ủ men tinh xảo, cao hơn nữa là nhờ đã dùng nước giếng cổ trong sạch, tinh khiết, có vị thơm ở thôn Hạnh Hoa. Rượu Lư Châu ở Tứ Xuyên năm 1917 cũng giành được huy chương vàng ở Triển lãm quốc tế Panama, đó là nhờ nước giếng Long Tuyền. Rượu Dương Hà ở Tứ Dương cũng được liệt vào loại rượu nổi tiếng toàn quốc, đó là nhờ chất nước thuần khiết và vị ngọt của nước “suối Mỹ Nhân”. Bia Thanh Đảo là loại bia duy nhất được công nhận là bia danh tiếng toàn quốc, đó là nhờ nước suối khoáng Lao Sơn đệ nhất trong thiên hạ. Tửu điếm Thiệu Hưng được gọi là “Vua rượu Phương Đông”, nước nấu rượu được lấy từ hồ Giám có phong cảnh đẹp như tranh, v.v..

Rượu nổi tiếng là nhờ được ủ men và nấu từ nước tốt. Nước tốt là nước chảy ra từ suối tốt, mà suối tốt lại bắt nguồn từ môi trường tự nhiên có phong cảnh đẹp đẽ. Lấy suối Lao Sơn mà nói, sở dĩ nó trong sạch, tinh khiết và có vị ngọt là vì ngoài điều kiện địa chất thủy văn ra, chủ yếu còn nhờ tác dụng của rừng cây xanh che chở. Rừng Lao Sơn bạt ngàn, đã ấp ủ thành một vùng đất quí để có con suối đẹp. Nguồn nước hồ Giám ở Thiệu Hưng bắt nguồn từ đỉnh núi Sùng Sơn, rừng trúc rậm rạp bao phủ tập hợp của 36 nguồn nước đổ về hồ Giám. Nguồn nước ở đó nhờ rừng cây và núi đá thanh lọc, nên nước trong veo, thuần khiết. Những giếng cổ long lanh nguồn nước tốt đã sản sinh ra những nhãn hiệu rượu nổi tiếng, xung quanh đều là rừng gỗ rậm rạp, là mảnh đất phong thủy tốt không hề bị ô nhiễm môi trường.

Kĩ thuật ủ men rượu là phát minh cổ đại của Trung Quốc. Theo truyền thuyết, từ thời đời Hoàng đế đã bắt đầu thừa nhận bản quyền ủ men rượu thuộc về ông Đỗ Khang. Đỗ Khang rất coi trọng việc chọn nguồn nước suối, hiểu được chất nước có tác dụng quyết định đối với chất rượu. Ngày nay người ta càng nhận thức sâu sắc rằng: muốn có rượu nổi tiếng thì nguồn nước phải thuần khiết, hương vị ngọt, hàm lượng các chất khoáng thích hợp, đó là điều kiện tiên quyết. Nếu nước không thuần khiết thì rượu cũng không thuần khiết. Mà nguồn nước tốt tất nhiên phải có vùng đất phong cảnh đẹp đẽ, môi trường không ô nhiễm. Do đó muốn bảo vệ nguồn nước tốt thì phải bảo vệ môi trường, cũng tức là vấn đề then chốt để bảo vệ nguồn rượu nổi tiếng. Rượu Mao Đài ở Nhân Hoài tỉnh Quí Châu được xem là “quốc tửu”. Rượu Mao Đài dùng nước sông Xích Thủy để nấu. Sông Xích Thủy bắt nguồn từ thâm sơn cùng cốc, chất nước trong, vị ngọt, thuần khiết, hàm lượng chất khoáng ít cho nên nước rượu Mao Đài trong veo, hương vị nồng đậm, khiến cho người ta đắm say, mê thích. Để giữ mãi danh tiếng của rượu Mao Đài, Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1972 đã có chỉ thị trên vùng thượng du sông Xích Thủy không được xây dựng nhà máy. Bởi vì nếu có nhà máy thì sông Xích Thủy sẽ bị ô nhiễm, đến lúc đó thì đặc điểm truyền thống của quốc tửu sẽ không còn giữ được nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ