Ai sáng lập ra đạo Cao Đài?

Đạo Cao Đài còn được gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do ông Đốc Phủ Sứ Ngô Văn Chiêu với pháp danh là Ngô Minh Chiêu (1878-1932) khai sáng vào năm 1921, ở đảo Phú Quốc Miền Nam, Việt Nam.

Vào ngày 7 tháng 10 năm 1926, đạo Cao Đài tổ chức một buổi lễ rất long trọng tại chùa Từ Lâm gần Tây Ninh để ra tuyên ngôn chánh thức thành lập đạo Cao Đài. Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam Kỳ có đến dự buổi lễ này và công nhận đạo Cao Đài là hợp pháp hoạt động trên toàn cõi Đông Dương.

Đạo Cao Đài chuyên tâm thờ phượng Đấng Thượng Đế với danh hiệu là Ngọc Hoàng Thượng Đế Nam Phương Giáo Chủ Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát. Ngoài việc thờ phượng Đấng Thượng Đế ra, Đạo Cao Đài còn thờ thêm Đức Chúa Giê-xu, Phật Thích-Ca và một số danh nhân khác như Lý Thái Bạch, Quan Âm, Quan Đế, Jeanne d‘Arc, Tôn Trung Sơn, Victor Hugo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Voltaire, Montesquieu…

Ông Ngô Minh Chiêu là một công chức thời Pháp thuộc được chánh quyền bổ nhiệm làm Đại Diện Hành Chánh (Quận Trưởng) ở đảo Phú Quốc. Trong lúc ở Phú Quốc, ông Ngô Minh Chiêu thường đến chùa Quan Âm Tự nằm trên triền núi Dương Đông để cầu cơ do nhóm Thần Linh Học tổ chức. Ông Ngô Minh Chiêu cho biết nhờ các cuộc cầu cơ này, ông giao tiếp được với Đức Thượng Đế mà ông cũng gọi là Đức Chí Tôn, Đức Cao Đài hay Cao Đài Tiên Ông. Ông Ngô Minh Chiêu kể tiếp: “Vào ngày 8 tháng 2 năm 1921, Đức Cao Đài Tiên Ông giáng cơ bút thừa nhận ông làm đệ tử với trọng trách khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở Miền Nam, Việt Nam.” Từ đó, ông Ngô Minh Chiêu lo tu trì khổ hạnh ăn chay trường 3 năm. Trong thời gian ăn chay, có lần Đức Cao Đài Tiên Ông hiện ra với ông Chiêu bằng hình một con mắt lớn mà ông Chiêu gọi là Thiên Nhãn. Ông Ngô Minh Chiêu cho biết thêm: “Thiên Nhãn này có ánh sáng như mặt trời thấm nhập cả vũ trụ.” Khi đạo Cao Đài được thành lập, ông Ngô Minh Chiêu cho vẽ hình con mắt bên trái có tia sáng chung quanh làm biểu tượng cho Đức Thượng Đế Chí Tôn để tín hữu Cao Đài thờ phượng. Hình ảnh Thiên Nhãn cũng là biểu tượng cho Đức Thượng Đế là Đấng có thể nhìn thấy tất cả mọi hành động và tư tưởng của mỗi người ở trần thế. Hơn nữa, đạo Cao Đài còn cho rằng việc thờ “Độc Nhãn” cũng để bày tỏ đạo Cao Đài là đạo thờ độc thần như Cơ Đốc Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo.

Vì mãi lo việc cao siêu huyền bí, ông Chiêu sao lãng bổn phận của người công chức, nên bị chánh quyền trung ương triệu về Sài Gòn năm 1924. Khi về đến Sài Gòn, ông Chiêu liên lạc với nhóm công chức gồm có các ông Vương Quang Kỳ, Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung, Cao Huỳnh Điêu, Cao Huỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Trương Hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu. Những viên công chức này hợp tác với ông Ngô Minh Chiêu để kiện toàn đạo Cao Đài ở Miền Nam Việt Nam và sáng lập Tòa Thánh Tây Ninh vào ngày 13-2-1926.

Đạo Cao Đài dùng cơ bút làm phương tiện tiếp xúc và tiếp nhận các giáo lý từ Đức Thượng Đế thiêng liêng. Người theo đạo Cao Đài kể: “Trong một buổi cầu cơ, Đức Cao Đài giáng cơ bút chỉ định ông Lê Văn Trung, nguyên là nghị viên Hội Đồng Tư Vấn của chánh quyền Nam Kỳ, làm Đức Giáo Tông.” Đức Giáo Tông đứng đầu Cửu Trùng Đài Thánh Thất Tây Ninh để cai trị và thi hành các phép tắc đạo. Đức Giáo Tông có ba hàng chức sắc mặc áo đỏ là Khổng Giáo, mặc áo vàng là Phật Giáo và mặc áo lam là Lão Giáo làm phụ tá. Đức Giáo Tông còn có ba vị Chưởng Pháp thuộc Lão Giáo mặc áo trắng. Các nam nữ tín hữu và chức sắc Cao Đài đều mặc áo dài trắng để tham dự các buổi lễ tôn giáo.

Đạo Cao Đài cho rằng Đức Thượng Đế đã lập ra ba thời kỳ để cứu độ nhân loại. Ba thời kỳ đó được phân định như sau:

– Nhất Kỳ Phổ Độ: Đấng Thượng Đế thành lập Tiên Đạo, Thánh Đạo và Nhơn Đạo ở Trung Hoa, Ấn Độ Giáo và Do Thái Giáo để cứu độ nhân loại kỳ thứ nhứt.

– Nhị Kỳ Phổ Độ: Đấng Thượng Đế thành lập Phật Giáo, Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo để cứu độ nhân loại kỳ thứ nhì.

– Tam Kỳ Phổ Độ: Đấng Thượng Đế đích thân thành lập Đạo Cao Đài ở Việt Nam để cứu độ nhân loại kỳ thứ ba.

Đạo Cao Đài cho rằng tất cả tôn giáo trên trần thế đều có cùng một chân lý. Chân lý ấy là Đức Cao Đài Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ và muôn loài vạn vật mà Cơ Đốc Giáo gọi là Đức Chúa Trời, Do Thái Giáo gọi là Đức Gia-vê hay Giê-hô-va và Hồi Giáo gọi là Allah. Mục đích của Đức Chí Tôn thành lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là để dạy cho mọi người biết là mỗi người trên trần thế đều có một phần chân linh của Đức Cao Đài Thượng Đế, nên mọi người thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo hãy yêu thương nhau và coi nhau như anh em vì có cùng một Cha trên trời. Đạo Cao Đài có khuynh hướng áp dụng và dung hòa các triết lý cao siêu của Khổng Giáo, thuyết từ bi của Phật Giáo, thuyết vô vi của Lão Giáo và luân lý cao nhã của Cơ Đốc Giáo.

Sau khi được Đấng Chí Tôn tuyển chọn và kết nạp vào đạo, người theo đạo Cao Đài phải có lòng thành kính phụng thờ Đấng Chí Tôn, làm việc từ thiện theo sức mình để giúp đở người nghèo khổ, hằng ngày phải tự xét lòng mình cho thích hợp với trình độ tu hành mà mình đã khẩn nguyện. Tín hữu Cao Đài có thể thủ trai kỳ, trường chay, tứ thời cúng kiến hay tứ thời tịnh nguyện. Tín hữu Cao Đài phải làm theo luật đạo, không quyến luyến hồng trần, vinh hoa, phú qúy. Sống thanh đạm, từ bỏ các thú vui của trần thế. Tu luyện đúng phép để tiến đến chỗ diệt ngã và cảnh hư vô tuyệt đối của đạo mầu. Đường siêu thoát vẫn là do thành tâm và đức hạnh của mình.

Ngoài Tòa Thánh Tây Ninh ra đạo Cao Đài còn có Tòa Thánh ở Bạc Liêu của phái Minh Chơn Đạo (1928), Tòa Thánh ở Mỹ Tho của phái Minh Chơn Lý (1930) và Tòa Thánh Bến Tre của Ban Chỉnh Đạo (1934). Đạo Cao Đài có 11 môn phái, đa số tín hữu Cao Đài ở Việt Nam, Kampuchia, Lào và Pháp. Đến năm 2006, đạo Cao Đài có khoảng 6 triệu tín hữu trên thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ