Sông Tô Châu dài 125 km, chảy qua khu vực Thượng Hải dài 53,1 km, quãng sông trong thành phố là 23,8 km. Xưa nay nước sông Tô Châu vừa đen vừa thối. Một nhà thơ Thượng Hải đã từng ví von một cách hình tượng rằng “nước sông Tô Châu như một cuộn vải đen chảy ra từ thùng thuốc nhuộm”.
Nhưng sông Tô Châu xưa kia vốn không như vậy, nó đã từng là dòng sông nước trong xanh, thuyền bè qua lại nhộn nhịp, nhiều loài cá nổi tiếng bơi lội tung tăng làm tăng thêm vẻ đẹp. Đến đầu thế kỉ XX, dưới sông từng đàn tôm cá vẫn tung tăng đùa giỡn với làn nước xanh. Bắt đầu từ những năm 20, cùng với sự phát triển của công nghiệp, sông Tô Châu bắt đầu xuất hiện hiện tượng nước đen và thối. Đến nay sông Tô Châu tiếp nhận 7 nguồn nước ô nhiễm, hằng ngày hơn 50 vạn tấn nước thải từ hai bên bờ đổ vào dòng sông, cộng thêm rác thải của dân cư hai bên bờ đổ vào càng khiến cho sông Tô Châu đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm. Các chuyên gia chỉ rõ các chất ô nhiễm hữu cơ đã tiêu hao một lượng oxi quá mức, những chất hữu cơ amôni, rác thải thực vật đã gây nên sự ô nhiễm cho dòng sông.
Năm 1993, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp kiến các quan chức Cục Môi trường Liên hợp quốc đã biểu thị quyết tâm sẽ xử lí tốt nước sông Tô Châu, để cho nó phục hồi trở lại như sông Great Ouse ở Anh. Theo quy hoạch của UBND thành phố Thượng Hải, kế hoạch xử lí tổng hợp sông Tô Châu chia làm hai bước: cuối năm 2000 xoá bỏ nước đen thối, bước đầu trồng cây xanh hai bên bờ một cách quy mô; năm 2010 sẽ xử lí nước một cách căn bản, thực hiện chức năng môi trường sinh thái của hệ sông này và hai bên bờ sẽ xây dựng đường đi bộ dưới bóng cây xanh.
Năm 1993, công trình hợp lưu sông Tô Châu giai đoạn một hoàn thành, nhưng chất lượng nước chưa được cải thiện rõ rệt. Nguyên nhân là vì phần lớn nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt ở hai bên bờ vẫn còn trực tiếp đổ vào sông. Năm 1997, công trình xử lí tổng hợp sông Tô Châu bắt đầu động thổ, cuối tháng 12 năm đó thì nước thải của 42 nhà máy đã bị chặn lại, tất cả nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt được đưa vào đường ống nước thải chung của thành phố, 29 nhà máy vật liệu xây dựng, bể phân và rác thải các cầu cảng ở phía đông cầu Trường Thọ sẽ được chuyển đi, những cửa hàng ki-ốt hai bên bờ sông vốn là nguồn gây ô nhiễm cũng sẽ được dọn sạch để trồng cây.
Cuối năm 1998, công trình xử lí tổng hợp môi trường sông Tô Châu đã tiến triển đáng kể, thực hiện được ý tưởng dùng nước sạch để tẩy ô nhiễm, xây dựng được 6 cống chắn nước dùng nước sạch ở vùng thượng lưu tập trung tống khứ nước bẩn, 17 trạm bơm dọc theo sông đã hoàn thành toàn bộ cắt đứt dòng nước thải của 28 nhà máy cuối cùng, chuyển dời 38 cầu cảng bốc dỡ hàng hoá, xây dựng một khu cây xanh công cộng với tổng diện tích 4 vạn mét vuông. Sông Tô Châu bắt đầu được khôi phục lại như cũ.
Nhưng để cho nước sông Tô Châu thực sự trở lại trong xanh thì không thể chỉ dựa vào sự làm loãng nước sông và dùng nước sạch thượng nguồn tống rửa mà quan trọng hơn là phải cắt dòng nước thải một cách căn bản. Điều đó đòi hỏi phải bỏ ra một kinh phí lớn. Dự kiến công trình giai đoạn thứ nhất sẽ hoàn thành vào năm 2002, vốn đầu tư là 8,65 tỉ đồng, giai đoạn hai cần đầu tư 11,45 tỉ đồng (chưa tính đến 20 tỉ đồng để xử lí hai bên bờ). Người Thượng Hải muốn xử lí ô nhiễm phải trả giá quá lớn, nhưng sự trả giá này sẽ khiến cho sông Tô Châu vứt bỏ được tấm khăn choàng bằng voan màu đen, trở lại bộ mặt xanh trong như cũ.