“Ngày nay trên thế giới đang dấy lên “làn sóng xanh”. Danh từ “xanh” mọc ra khắp nơi như măng mọc sau cơn mưa xuân. Trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật cũng đã xuất hiện một danh từ mới “kĩ thuật xanh”.
“Công nghệ xanh” là cách nói hình tượng, thực chất là chỉ những kĩ thuật khoa học có thể thúc đẩy loài người tồn tại và phát triển lâu dài, có lợi cho sự tồn tại và phát triển giữa con người và thiên nhiên. Nó không những bao gồm phần cứng, như các thiết bị hạn chế ô nhiễm, các máy đo sinh thái và kĩ thuật sản xuất sạch mà còn bao gồm cả phần mềm, như phương thức thao tác cụ thể và phương pháp vận chuyển tiêu thụ, cũng như những công tác và hoạt động để bảo vệ môi trường.
Căn cứ vào các tác tác dụng khác nhau của công nghệ xanh đối với môi trường mà có thể chia công nghệ xanh thành ba giai đoạn: công nghệ xử lý đoạn cuối, công nghệ sạch và sản phẩm xanh.
Công nghệ xử lý đoạn cuối là chỉ những kĩ thuật phân tách phế thải, xử lý và thiêu huỷ, kĩ thuật giảm thiểu những phế thải gây ô nhiễm, như kĩ thuật tách lưu huỳnh ra khỏi khói.
Công nghệ sạch là chỉ những công nghệ tiên tiến được sử dụng trong quá trình sản xuất và những kĩ thuật để giảm thiểu chất ô nhiễm. Nó chủ yếu bao gồm nguyên liệu thay thế, kĩ thuật công nghệ cải tạo và tăng cường quản lý nội bộ và những loại hình khác như lợi dụng tuần hoàn nguyên liệu tại hiện trường.
Sản phẩm xanh là chỉ những sản phẩm trong quá trình sử dụng không gây nguy hại cho môi trường. Nó chủ yếu bao gồm các quá trình sau: trong quá trình tiêu dùng sản phẩm và những chất phế thải của chúng để lại sau quá trình tiêu dùng gây hại tối thiểu cho môi trường (bao gồm thể tích sản phẩm hợp lý, sự đóng gói và chức năng sử dụng hợp lý): có thể tách ra để thiết kế đề phòng, sản phẩm sau khi thu hồi có thể tuần hoàn tái sinh.
Kĩ thuật xanh có bốn đặc trưng cơ bản. Thứ nhất, kĩ thuật xanh không phải là một kĩ thuật duy nhất nào đó mà là một kĩ thuật hoàn chỉnh toàn bộ. Không những bao gồm sinh thái nông nghiệp, sản xuất sạch mà còn bao gồm kĩ thuật phòng ngừa phá hoại sinh thái, kĩ thuật phòng ngừa ô nhiễm và kĩ thuật đo môi trường, v.v… Giữa các kĩ thuật này có mối liên quan lẫn nhau. Thứ hai, kĩ thuật xanh có tính chiến lược cao độ. Nó gắn chặt với chiến lược có thể tiếp tục phát triển, sự sáng tạo và phát triển kĩ thuật xanh là thực hiện con đường căn bản để có thể tiếp tục phát triển. Thứ ba, cùng với thời gian và sự tiến bộ về khoa học kĩ thuật, bản thân kĩ thuật xanh cũng không ngừng biến đổi và phát triển. Đặc biệt là quan niệm về giá trị môi trường, lấy công nghệ xanh làm căn cứ công nghệ cũng không ngừng biến đổi, vì thế mà công nghệ xanh cũng biến đổi theo. Cuối cùng công nghệ xanh có mối quan hệ mật thiết với kĩ thuật cao mới. Công nghệ cao mới có thể tìm thấy mảnh đất dụng võ trong công nghệ xanh. Hai công nghệ này kết hợp với nhau mới có thể thúc đẩy xã hội nhân loại phát triển tốt hơn.
Nền văn minh nhân loại đã để lại những hậu quả nghiêm trọng: văn minh nông nghiệp sớm nhất đã phá hoại rừng núi, thảo nguyên, trồng trọt khiến cho phần lớn diện tích đất bị xói mòn, cho nên con người gọi đó là nền “Văn minh màu vàng”; văn minh công nghiệp tiếp theo tạo nên ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, khiến cho bầu trời khói đen mù mịt, nước biến thành màu đen và thối, cho nên con người gọi đó là “Văn minh màu đen”. Hiện nay, loài người đang cố gắng xây dựng “Văn minh màu xanh”, kêu gọi mọi người chung sống hài hoà với thiên nhiên, môi trường và kinh tế cùng phát triển hài hoà. Chỉ có coi trọng công nghệ xanh, không ngừng nghiên cứu và mở rộng công nghệ xanh làm cho Trái Đất mới có thể trở lại màu xanh.”