“Từ năm 1900, sau khi người Mỹ phát hiện ra máy cày dùng dầu mazut (dầu diezen), nhiều nước đã ra sức phát triển nền nông nghiệp hiện đại lấy “nông nghiệp dầu mazut” làm chính. Sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ giới hoá, qui mô lớn, cộng thêm phân hoá học và sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu đã nâng hiệu suất sản xuất lên bước tiến mới. Nhưng đồng thời với điều đó thì đất đai bị xói mòn nghiêm trọng, phân hoá học và sự ô nhiễm của thuốc trừ sâu đã làm cho sông hồ, biển cả, sự cân bằng sinh thái tự nhiên bị phá hoại, gây nên hàng loạt hậu quả tồi tệ. Để thoát được những khó khăn mà nền nông nghiệp hiện đại đang phải đối mặt, người ta bắt đầu mở rộng nền nông nghiệp hữu cơ.
Nền nông nghiệp hữu cơ lấy các “sản phẩm phụ” của nông nghiệp và chất thải của các sinh vật làm phân bón, thực hiện một nền sản xuất nông nghiệp vừa có thể bảo vệ độ phì nhiêu của đất, vừa có thể bảo vệ sản lượng nông sản. Nền nông nghiệp hữu cơ dùng phân hữu cơ và rơm rác, phân xanh, phân của gia súc, gia cầm để sản xuất. Nó không dùng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật mà dựa vào những sinh vật trong hệ thống sinh thái tự nhiên để khống chế các loài sâu bệnh.
Các nhà khoa học nghiên cứu đã phát hiện: khi nền nông nghiệp dầu mazut chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ, năm đầu trồng ngô vì phân không đủ, sâu bệnh nhiều, cỏ dại nghiêm trọng nên sản lượng giảm 40%. Nhưng nếu năm đầu trồng yến mạch và cỏ ba lá thì hạn chế cỏ dại được rất nhiều, sản lượng của yến mạch và đậu đũa tương đương với sản lượng nông nghiệp dầu mazut. Thực hiện nền nông nghiệp hữu cơ đến năm thứ ba thì sản lượng ngô chỉ thấp hơn nền nông nghiệp dầu mazut 10%. Cùng với thời gian kéo dài, sản lượng nông sản của nông nghiệp hữu cơ sẽ phục hồi ngang mức với nông nghiệp dầu mazut. Các nhà khoa học còn phát hiện, trồng xen kẽ các loại đậu, loại cây hạt nhỏ với ngô và đậu đũa để hỗ trợ lẫn nhau thì có thể hạn chế cỏ dại, khiến cho đất đai ít bị xâm thực, cải thiện kết cấu đất.
Vì nền nông nghiệp hữu cơ không gây ô nhiễm cho môi trường, nên mấy năm gần đây ngày càng được nhiều nước coi trọng và ứng dụng. Hiện nay trên thế giới số “nông trang hữu cơ” đã vượt con số 16 nghìn nông trang, dự kiến đến năm 2000 sẽ đạt mức 3 vạn nông trang. Với sự thúc đẩy của các nông trang hữu cơ này rất nhiều thực phẩm xanh không bị ô nhiễm sẽ ra đời.
Trên thị trường cao cấp Âu Mỹ, khắp nơi đều có thể nhìn thấy loại thịt bò không chứa chất kháng khuẩn, những loài cá sống trong nước không bị ô nhiễm, những bánh kem, bánh bao và bích qui dùng nguyên liệu là thực phẩm hữu cơ và những loại rượu dùng men nho hữu cơ sản xuất. Sữa của các nông trường hữu cơ sẽ được chế biến thành phomát v.v..
Nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp mà loài người quyết tâm dùng “kĩ thuật tự nhiên” để tạo nên loại đất “khỏe hơn”, sản xuất ra “loại thực phẩm sạch”. Nhưng nền nông nghiệp hữu cơ cũng có một số nhược điểm, như chưa lợi dụng đầy đủ các nguyên lí sinh thái học để tiến hành sản xuất, hiệu suất khai thác năng lượng của nó còn thấp, còn chờ tiếp tục được cải tiến, nâng cao.”