“Một đường ống từ Oasinhtơn thông ra rừng ngoại ô. Nước phế thải của các nhà máy đi theo đường ống này đến cánh rừng, sau đó nhiều vòi phun đặc biệt cùng khởi động, trong một thời gian ngắn, trên bầu trời mưa rơi xối xả xuống cánh rừng… Đó không phải là một cảnh trong phim mà là nhà khoa học Thơna, Mỹ đang tiến hành thí nghiệm: lợi dụng rừng để làm sạch nước thải. Cuộc thí nghiệm này cuối cùng đã thành công.
Thí nghiệm của Thơna tiến hành trong 7 năm, chứng tỏ rừng không những có thể làm sạch không khí mà cũng có thể làm sạch nước thải. Đưa một lượng nước thải lớn vào rừng phun lên ngọn cây không những không cản trở cây sinh trưởng mà còn có thể bảo đảm cây cho gỗ tốt hơn. Đó là vì trong nước thải luôn chứa những chất như: phốtpho, canxi, mangan, v.v.. Chúng là những chất cần thiết không thể thiếu đối với sự trưởng thành của cây. Trong rừng có những loài cây vì đất đai cằn cỗi, không đủ chất dinh dưỡng nên lớn rất chậm. Được tưới nước phế thải chúng khôi phục và lớn nhanh. Những vi khuẩn và virut trong nước phế thải chảy vào sông sẽ giết chết tôm cá, truyền bệnh cho con người. Khi được tưới vào rừng, ngược lại chúng được mặt đất hấp thụ, trong đất có thiên địch của chúng. Nhiều loài cây có thể tiết ra một lượng lớn những chất diệt khuẩn. Một khi vi khuẩn và virut đi vào khu vực của chúng thì sẽ bị tiêu diệt. Những phần rơi vào thân cây hoặc cây vỏ cũng không tránh khỏi bị tia tử ngoại Mặt Trời và các loài vi khuẩn khác tiêu diệt. Qua nhiều lần bao vây, vi khuẩn trong nước thải và virut sẽ bị diệt gần hết. Nước đó cuối cùng chảy vào sông, ao, hồ hoặc thẩm thấu qua đất sẽ không gây nên ô nhiễm môi trường nữa.
Lợi dụng nước phế thải để tưới rừng vừa làm sạch nước phế thải, những chất dinh dưỡng trong phế thải còn được cây hấp thụ, thúc đẩy cây lớn nhanh. Sau khi dùng nước phế thải tưới, tốc độ sinh trưởng của nhiều loại cây thậm chí còn nhanh gấp 2 – 4 lần so với bình thường. Những rừng cây rậm rạp trong quá trình làm sạch không khí, ngưng đọng bụi bặm, làm giảm tiếng ồn đã có một tác dụng rất to lớn.
Tuy nhiên khả năng rừng có thể làm sạch nước thải không phải là vô hạn. Giữa diện tích rừng với lượng nước thải cần làm sạch phải có tỉ lệ tương ứng. Theo tính toán của Thơna, muốn làm sạch nước thải của thành phố Oasinhtơn và các nhà máy vùng ngoại ô thải ra cần một diện tích rừng khoảng 830 km2, tức là tương đương với diện tích của thành phố New York.”