Vì sao nói biển là “lá phổi” và “thận” của Trái Đất?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Biển là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống duy trì sự sống. Nếu chúng ta xem Trái Đất giống như cơ thể người thì ví biển là lá phổi và thận của Trái Đất là rất xác đáng. Vì biển không những tiếp thu khí CO2 trong không khí, tạo ra khí oxi mà còn có thể làm sạch và phân giải các chất có hại, tạo nên môi trường sinh sống tự nhiên cho loài người và các sinh vật khác.

Người ta ví biển và rừng xanh là hai lá phổi của Trái Đất. Con người và động vật đều cần khí oxi, biển là nơi cung cấp khí oxi lớn nhất. Diệp lục tố và các thực vật sống phù du trên mặt biển dưới sự chiếu xạ của ánh nắng, chúng sẽ phát sinh phản ứng với nước và khí CO2 tạo thành các chất hữu cơ và khí oxi. Các thực vật biển hằng năm vẫn sản sinh ra 36 tỉ tấn khí oxi. 70% khí oxi trong không khí được sản sinh từ biển. Vì vậy những người sống ở biển cảm thấy không khí rất mới mẻ và trong lành.

Biển cũng là “máy làm sạch” lớn nhất trên Trái Đất. Nó giống như thận, lọc sạch và phân giải rất nhiều chất có hại. Vì biển có một thể tích vô cùng lớn, các dòng hải lưu chuyển động không ngừng, nước thuỷ triều lên xuống ngày đêm và sóng vỗ liên tục, do đó nó có khả năng tự làm sạch một cách phi thường. Vì biển nằm ở vị trí thấp nhất của bề mặt Trái Đất cho nên các vật phế thải do con người thải ra trực tiếp hoặc thông qua các dòng chảy của sông cuối cùng đều đổ ra biển. Biển giống như một máy làm sạch khổng lồ. Trong phạm vi khả năng của nó, nó sẽ làm loãng, phân giải các chất ô nhiễm và cuối cùng xoá bỏ chúng. Biển cả không những bảo đảm được mình trong sạch mà còn giúp loài người xử lí một lượng rác khổng lồ, Cho nên biển được người ta gọi là “người bảo hộ sự sống của Trái Đất”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ