Vì sao nói thành phố cũng là một hệ thống sinh thái?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Nói đến hệ thống sinh thái, chúng ta thường nghĩ đến một ao hồ, cánh đồng cỏ, hoặc một dãy núi, còn thành phố hầu như khác hẳn với chúng. Vậy vì sao nói thành phố cũng là một hệ thống sinh thái. Thực ra, thì hệ thống sinh thái là một khái niệm có ý nghĩa rất rộng. Bất cứ quần thể sinh vật nào cùng với môi trường xung quanh chúng tổ chức thành một hệ thống, đều có thể xem là hệ thống sinh thái. Nó có thể nhỏ đến mức như một giọt nước, lớn đến cả vành sinh vật, cho nên đương nhiên nó bao gồm cả thành phố. Vì vậy thành phố cũng là một hệ thống sinh thái.

Cho dù là hệ thống sinh thái nào, trong đó đều có một số loài và số lượng sinh vật nhất định sinh sống, bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật. Thành phố cũng không ngoại lệ. Thành phố là hệ thống sinh thái nhân tạo, lấy con người làm chủ thể, mà bản thân con người cũng thuộc về động vật. Động vật trong thành phố còn bao gồm một số động vật nuôi, côn trùng và các loài chim. Ngoài ra còn có thực vật và vi sinh vật. Tương tự, thành phố cũng có các yếu tố môi trường như ánh sáng, không khí và nước. Trong hệ thống sinh thái thành phố, quy luật tự nhiên cũng có tác dụng, không thể thay đổi theo ý muốn của con người.

Bất cứ số lượng sinh vật nào sống trong tự nhiên đều có quy luật nhất định, đều chịu ảnh hưởng của thức ăn, thiên địch và điều kiện môi trường. Ví dụ thỏ trên thảo nguyên nếu số lượng tăng lên thì sẽ ăn rất nhiều cỏ. Nếu nó tăng đến một mức độ nhất định, không những ăn hết cỏ mà còn khiến cho năm sau cỏ không thể mọc được. Kết quả là một số lớn thỏ bị chết đói, sau đó cỏ mới mọc dần trở lại. Số lượng thỏ cũng dần dần khôi phục, cuối cùng trở về trạng thái cân bằng.

Con người cũng tương tự, không thể nói cùng với tiến bộ của khoa học kĩ thuật thì dân số có thể tăng trưởng vô hạn. Trung Quốc vì không nhận thức được vấn đề này dẫn đến dân số tăng trưởng quá nhanh, gây nên nguy cơ thiếu lương thực, cản trở sự phát triển kinh tế. Tương tự thành phố cũng không thể phát triển mà không bị khống chế. Trong hệ thống sinh thái đô thị, vì thành phần sản xuất – số lượng cây xanh tương đối ít, còn thành phần tiêu thụ – số lượng người đông, cho nên phải vận chuyển vật chất từ bên ngoài vào và thải phế thải ra bên ngoài. Nếu không giải quyết vấn đề đưa vào và chuyển ra một cách có hiệu quả, khiến cho thành phố lộn xộn quá mức sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như khí thải ô tô, bụi bặm, mưa axit hoặc tiếng ồn quá nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy thành phố với tư cách là một hệ thống sinh thái, không những có đặc thù riêng mà còn có những thuộc tính chung giống như hệ thống sinh thái tự nhiên. Chỉ khi nhận thức được điểm này thì mới nhận thức tốt môi trường chúng ta đang sinh sống và mới có thể thúc đẩy kinh tế phát triển một cách có trật tự và bảo đảm cho hệ thống sinh thái có sự tuần hoàn tốt.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ