Cùng với sự phát triển của công nghiệp và mức sống ngày càng nâng cao, lượng rác thải cũng ngày càng tăng. Nên xử lí rác thải như thế nào đã trở thành một vấn đề lớn của các thành phố trên thế giới. Ngày nay, mọi người đều nhận thức được rằng, xử lí rác theo nguyên tắc “biến rác thải thành một tài nguyên” là tối ưu nhất.
Cách xử lí tài nguyên hóa rác thải tức là tiến hành xử lí đối với một phần rác thải có thể sử dụng được, khiến cho nó trở lại thành nguồn nguyên liệu. Muốn tái sinh rác thải thành nguồn nguyên liệu thì trước hết phải phân tách các vật phế thải khác nhau ra. Điều đó đòi hỏi cư dân thành phố phải phân biệt đựng rác thải vào các túi khác nhau. Đó là khâu đầu tiên để tài nguyên hóa rác thải.
Ở Nhật, phụ nữ trong gia đình thường phân rác thải làm hai loại là loại đốt và loại không thể đốt được. Họ bỏ hai thứ này vào hai túi có màu khác nhau. Hàng ngày cứ đến trưa đem túi rác thải để trước cửa, sau đó ngành vệ sinh môi trường sẽ có xe đến thu gom. Đối với những vật phế thải có kích thước lớn như: máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế xa lông thì mỗi tháng qui định thu một lần. Ở Mỹ, nhà riêng hoặc nhà chung cư đổ rác thải vào một thùng chung bằng nhựa. Rác thải sinh hoạt dùng túi nilon đựng bỏ chung vào thùng nhựa. Loại rác thải như thủy tinh, đồ nhựa hoặc các chai lọ bằng kim loại thì vứt vào thùng hình vuông. Xe chở rác thải cũng được phân loại, có loại xe chuyên chở giấy loại, có loại chuyên chở chai lọ. Những loại rác thải khác nhau này lần lượt được đưa đến địa điểm khác nhau.
Ở Đức, mỗi gia đình đều có ba loại thùng bằng nhựa: đen, vàng và xanh khác nhau. Thùng vàng đựng rác thải đồ nhựa, các đồ hộp kim loại hoặc các túi đồ nhựa, thùng xanh để đựng giấy loại còn thùng đen thì đựng các loại rác linh tinh khác.
Ngoài việc dùng con người để phân loại rác thải thì ở Mỹ, Đức và một số nước khác còn đặt máy phân rác thải tự động. Nó có thể tự động phân rác thải kim loại, đồ thủy tinh, đồ nhựa, cao su và các vật linh tinh khác thành từng thứ riêng rẽ, sau đó đem đi làm nguyên liệu công nghiệp.
Rác thải sau khi qua phân loại, người ta có thể căn cứ vào đặc điểm của chúng để tiến hành xử lí, biến chúng thành những nguồn vật liệu có ích.