Năm 1968, ở Bắc Cửu, Nhật Bản, mọi người lâm vào một trận khủng hoảng vì gặp một căn bệnh quái dị chưa từng thấy. Loại bệnh này đến rất ồ ạt, bắt đầu từ tháng 3, số bệnh nhân tăng lên rất nhanh, đạt đến con số 1.400 người, đến tháng 7, số bệnh nhân vượt quá 5.000 người.
Bệnh dịch này rất đặc biệt. Bệnh nhân ban đầu chỉ sưng mí mắt, quầng mắt đen, nước mắt chảy liên tục, lòng bàn tay ra mồ hôi, tiếp theo là toàn thân nổi mẩn đỏ, ngứa không thể chịu được, nghiêm trọng hơn còn cảm thấy buồn nôn. Mấy chục vạn người bị lâm bệnh, trong đó có 16 người chết rất nhanh.
Qua điều tra và thực nghiệm nhiều lần, các nhà khoa học cuối cùng đã làm sáng tỏ nguyên nhân là do một nhà máy sản xuất dầu thực phẩm ở vùng này, vì muốn hạ giá thành nên khi sản xuất đã sử dụng một chất hoá học độc hại, đó là benzen poliflorua (benzen chứa nhiều flo). Vì quản lí không nghiêm ngặt, nên trong quá trình khử mùi, thiết bị đã bị rò rỉ, khiến cho chất benzen nhiều flo lẫn vào trong dầu cám. Do đó dầu biến thành thuốc độc. Vì ăn phải loại dầu này nên rất nhiều người bị bệnh. Về sau người ta gọi sự kiện ô nhiễm làm chấn động thế giới này là ” sự kiện dầu cám “.
Hung thủ của sự kiện dầu cám là chất benzen poliflorua. Chất này là một hợp chất nhân tạo, tính chất hoá học của nó rất ổn định, không dễ bị oxi hoá, do đó có thể dùng làm chất cách điện cho các thiết bị điện, dầu bôi trơn và làm chất phụ gia. Chất benzen poliflorua khó bị sinh vật phân huỷ, có thể tồn tại lâu dài trong nước. Thông qua tác dụng làm giàu trong chuỗi thức ăn nước, chất này có thể được tích luỹ lại một lượng lớn trong cơ thể cá và ốc. Người ăn phải cá và ốc đã bị ô nhiễm sẽ ngộ độc. Độc tính của chất benzen poliflorua rất lớn. Nó có thể ảnh hưởng đến da, thần kinh và chức năng của gan trong cơ thể. Ngoài ra, nó còn phá hoại sự hấp thu đào thải của xương, gây tổn hại đến xương và răng.
Sự kiện dầu cám đã gây nên ý thức cảnh giác cho mọi người. Người ta phát hiện nếu hằng ngày mỗi kilôgam thể trọng hấp thu 67 µg thì chỉ cần từ 3 – 5 tháng sẽ bị ngộ độc. Ngày nay chất benzen poliflorua đã bị cấm trong phạm vi toàn thế giới không cho phép sản xuất, tiêu thụ và sử dụng.