“Trên Trái Đất rừng nhiệt đới phân bố rất rộng, trong đó có nhiều loài động, thực vật sinh sống. Chúng có quan hệ rất mật thiết với môi trường sống của con người.
Rừng nhiệt đới chủ yếu phân bố ở các vùng Đông Nam Á, Trung Phi và Trung Mỹ. Nửa đầu thế kỉ XX, hoạt động của con người hầu như không đề cập đến chúng. Hồi đó, diện tích sa mạc trên Trái Đất so với ngày nay còn ít hơn. Các loài và số lượng sinh vật so với ngày nay nhiều hơn nhiều. Thiên tai cũng không xuất hiện dồn dập như ngày nay. Trong lịch sử tiến hóa xa xưa, khoảng 1.000 năm mới có một loài thực vật bị tiêu diệt. Nhưng đến năm 1980, đã phát triển đến mức mỗi ngày có một loài thực vật bị tiêu diệt. Cuối thập kỉ 90 thế kỉ XX, tốc độ tiêu diệt thực vật càng nhanh hơn, đã đạt đến một giờ có một loài bị tiêu diệt. Trong số hơn 25 vạn loài thực vật đã biết, có 2/3 loài sinh trưởng ở vùng nhiệt đới, trong đó 2.500 loài đang có nguy cơ bị tiêu diệt.
Theo tài liệu của Ngân hàng thế giới công bố và kêu gọi toàn nhân loại thì diện tích rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á và Nam Mỹ từ năm 1993 đến năm 1998 trong vòng 5 năm đã giảm mất 3,5%. Ngày nay rừng nhiệt đới trên toàn thế giới đang bị chặt phá, hủy hoại hoặc bị thuốc hóa học tàn phá với tốc độ 20 ha/phút. Nếu sự chặt phá rừng nhiệt đới không được khống chế có hiệu quả thì đến năm 2025 có khoảng 25% các loài chim và thực vật sinh sống trong rừng sẽ bị tiêu diệt. Tốc độ này gấp 1 vạn lần tốc độ đào thải tự nhiên.
Một khi rừng bị huỷ diệt thì sa mạc sẽ mở rộng rất nhanh. Rừng nhiệt đới ở Braxin ven miền duyên hải Đại Tây Dương chỉ còn lại 2%. Sa mạc Milo ở gần đó đang mở rộng nhanh chóng. Sa mạc Sahara ở châu Phi không ngừng nam tiến, hạn hán uy hiếp cả vùng thảo nguyên hoang mạc Tây Phi. Đó cũng là do rừng nhiệt đới ở đó bị phá hoại nghiêm trọng. Ngày nay trên thế giới lũ lụt liên tiếp xảy ra, hạn hán hoành hành, khí hậu biến đổi, bãi cát mở rộng, tất cả những điều này đều do diện tích rừng nhiệt đới ngày càng bị thu nhỏ gây ra.
Rừng nhiệt đới là kho gen thiên nhiên. Khảo sát của các chuyên gia chứng tỏ số thực vật phát hiện được trong những cánh rừng nhiệt đới Nam Mỹ đã đến 1 vạn loài. Nếu tiếp tục phá hoại rừng thì đại bộ phận trong số thực vật này cho đến lúc loài người chưa kịp phát hiện và lợi dụng đã bị tiêu diệt rồi. Thực vật không chỉ là toàn bộ nguồn lương thực và dược liệu của chúng ta mà còn là cái màng để làm sạch không khí, chế tạo oxi. Hiện nay, nguồn lương thực thế giới chủ yếu là tiểu mạch, lúa và ngô. Những loại ngũ cốc này rất dễ bị các loại bệnh và côn trùng mới phá hoại. Để chiến thắng côn trùng và sâu bệnh thì phải thường xuyên lợi dụng những loài thiên địch hoang dã và sáng chế thêm những thuốc kháng bệnh mới. Cùng với diện tích rừng nhiệt đới bị phá hoại ngày càng nhiều, kho gen thiên nhiên này sẽ mất đi và sẽ dẫn đến thế giới thiếu lương thực. Ở thập kỉ 70 của thế kỉ XX, bệnh lùn hóa đã phá hoại phần lớn các loài lúa vùng Châu Á. Để tìm ra loại thuốc mới chống bệnh lùn hóa, các chuyên gia nông nghiệp đã tìm trong rừng nhiệt đới miền Trung ấn Độ một loài lúa hoang dã có gen chống được bệnh này. Kết quả chỉ tìm được một loài. Nếu hồi đó không tìm được loài nào thì e rằng giống lúa của Châu Á sẽ không thể có những thế hệ sau khỏe mạnh.
Rừng nhiệt đới đối với loài người thật là quý giá !”