Vì sao “thực phẩm đen” đi khắp trong và ngoài nước?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

“Thực phẩm đen” là chỉ những thực phẩm có màu đen tự nhiên. Ví dụ như gạo cẩm, đậu đen, vừng đen, mộc nhĩ đen, nấm hương, v.v… Thực phẩm đen có dinh dưỡng phong phú và toàn diện, kết cấu hợp lí, màu sắc hương vị tự nhiên và chức năng bảo vệ sức khoẻ đều được kết tinh lại trong một vật thể. So với thực phẩm trắng (như gạo trắng), thực phẩm đỏ (như thịt gia cầm, gia súc), thực phẩm xanh (rau, dưa quả) thì thực phẩm đen có chức năng bảo vệ sức khỏe tốt.

Các nhà khoa học qua kiểm tra xác định rằng: màu sắc tự nhiên của thực phẩm tăng từ nhạt đến đậm thì thành phần dinh dưỡng của nó cũng tăng dần lên, hàm lượng chất dinh dưỡng càng phong phú và kết cấu của thực phẩm càng hợp lí. Lấy các loại đậu làm ví dụ. Hàm lượng prôtein của đậu trắng là 22%, đậu vàng là 36%, đậu xanh là 37%, đậu đen là 49%. Trong gạo cẩm còn có các chất caroten, vitamin C, v.v… mà gạo trắng không có, hàm lượng prôtein và mỡ thực vật so với gạo trắng cũng cao hơn 0,5 – 1 lần, nhóm vitamin B, hàm lượng khoáng chất so với gạo trắng cao gấp 1 – 3 lần, nó còn có giá trị dùng làm thuốc bổ, được gọi là “gạo bổ huyết”, “gạo thuốc”, ngày xưa đều là những phẩm vật quí báu tiến làm ngự thiện cho Hoàng đế.

Mấy năm gần đây, các nước phương Tây vì “thực phẩm đỏ” gây nên các loại “bệnh nhà giàu”, do đó đã chú ý đến thực phẩm đen. Họ phát hiện thực phẩm đen tự nhiên giàu chất dinh dưỡng và cân bằng, có tác dụng rõ rệt trong việc đề phòng và chữa trị các bệnh do thực phẩm đỏ gây ra. Do đó bắt đầu từ thập kỉ 80 của thế kỉ XX đến nay, các nước phát triển phương Tây tích cực nghiên cứu và khai thác thực phẩm đen, trào lưu ăn “thực phẩm đen” ngày càng tăng. Vì chịu sự ảnh hưởng của trào lưu tiêu dùng thực phẩm đen trên thế giới nên một số thành phố của Trung Quốc cũng bắt đầu dấy lên cơn sốt thực phẩm đen. Gạo cẩm, vừng đen, cơm niêu gạo cẩm, thức uống gạo cẩm, các chế phẩm đậu đen v.v… đã trở thành những hàng hóa bán chạy. Nhiều tỉnh, thành phố và khu tự trị còn ra sức tận dụng các nguồn nguyên liệu lương thực đen tự nhiên ở địa phương để chế biến thành thực phẩm đen. Ví dụ tỉnh Quảng Đông đã sản xuất gạo nếp cẩm, mì sợi gạo cẩm, rượu cẩm, bia gạo cẩm, coca cola gạo cẩm, nước giải khát bằng sữa gạo cẩm v.v…
Một số sản phẩm đã đưa ra thị trường quốc tế.

Đồng thời chúng ta cũng dần dần nhận thức được tác dụng bảo vệ sức khỏe và chữa trị của thực phẩm đen. Ví dụ gạo cẩm có tác dụng tư âm bổ thận, kiện tì, ấm dạ dày, sáng mắt và hoạt huyết; đậu đen có chức năng tư dưỡng kiện huyết, bổ hư và làm cho tóc đen; vừng đen có tác dụng tư dưỡng gan thận, nhuận tràng, dưỡng huyết, đen tóc v.v…; mộc nhĩ đen có tác dụng nhuận phế, bổ não, nhẹ thân mình và dưỡng huyết. Những năm gần đây người ta còn phát hiện nấm hương có tác dụng kháng khối u đặc biệt, do đó nấm hương được mệnh danh là “người lính mới chống khối u”.

Thực phẩm đen đã tụ hội đủ màu sắc, hương vị và tốt cho sức khỏe để trở thành thực phẩm ưu việt trên thế giới. Trong các công trình sinh học, chế biến nông sản và công nghiệp thực phẩm nó được lợi dụng tổng hợp nên có một tiền đồ phát triển rộng lớn và đem lại lợi ích kinh tế – xã hội to lớn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ