“Vì sâu hại mà trên thế giới hàng năm nhiều cánh rừng bị phá hoại và lương thực bị tổn thất nhiều. Sâu hại còn uy hiếp rất lớn đến sức khỏe của con người. Do đó người ta luôn tìm những biện pháp hữu hiệu để khống chế sâu hại.
Giữa con người và sâu bệnh đã có cuộc “chiến tranh” từ lâu. Từ 2500 năm trước Công nguyên, con người đã từng dùng các hợp chất của lưu huỳnh để ngăn ngừa sâu bệnh. Sau năm 1940, người ta đã bắt đầu sử dụng các loại thuốc hữu cơ có chứa clo như DDT và thuốc 666. Vì giá của chúng rẻ, sử dụng thuận lợi và hiệu quả diệt trừ rõ rệt nên việc sử dụng được mở rộng rất nhanh, trở thành loại thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu và là thủ đoạn duy nhất để trừ sâu bệnh. Song cho đến nay tuy khoa học kĩ thuật phát triển rất cao, nhưng người ta vẫn không thể đối phó nổi với sâu bệnh. Sâu bệnh không những không bị giết hết, ngược lại còn phát triển ngày càng nhiều hơn, rất khó tiêu diệt chúng. Vì sao lại như vậy?
Trước hết đó là vì sâu bệnh đã sản sinh khả năng kháng thuốc. Dùng lặp đi lặp lại cùng một loại thuốc bảo vệ thực vật cũng giống như ta đã chọn lựa nhân tạo loài sâu. Những con sâu già yếu bị tiêu diệt, số còn sống sót lại thường là những con “rất khỏe” và có năng lực chịu thuốc nhất định. Năng lực nhờn thuốc này lại truyền cho thế hệ sâu bệnh đời sau. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 1975 trên thế giới số sâu bệnh nhờn thuốc bảo vệ thực vật đã có đến 228 loài. Trong đó loài sâu xanh, nhện đỏ, sâu lúa, muỗi và ruồi, v.v.. đều có tính nhờn thuốc rất cao. Thậm chí nồng độ thuốc tăng lên cũng không thể diệt chúng một cách có hiệu quả. Thứ hai là những loại thuốc bảo vệ thực vật có hiệu suất cao cũng không thể giết hết toàn bộ sâu bệnh mà đồng thời với trừ sâu bệnh thì cũng diệt luôn thiên địch của chúng, ví dụ như các loài sâu và chim có ích. Vì loài sâu bệnh sinh sôi phát triển nhanh hơn so với thiên địch của chúng cho nên số lượng chúng khôi phục rất nhanh, khi thiếu thiên địch sâu bệnh càng lan tràn hơn, số lượng của chúng thậm chí còn nhiều hơn trước lúc phun thuốc. Ví dụ sau khi phun thuốc DDT cho vườn táo, số lượng sâu xanh và nhện đỏ không những không giảm đi mà còn tăng lên. Ngoài ra vì số lượng thiên địch giảm thấp sẽ gây nên những loài sâu bệnh vốn tiềm ẩn ở vị trí thứ yếu nay lại phát triển mạnh mẽ hơn. Ví dụ, dùng thuốc bảo vệ thực vật phun cho lúa, thì loại sâu bệnh thứ yếu là loài sâu cuốn lá lại trở thành loài sâu chủ yếu.
Theo thông báo, 10 năm sau khi xuất hiện thuốc trừ sâu DDT, trên thế giới đã có hơn 50 loài thuộc 13 họ vì dùng thuốc bảo vệ thực vật mà đã tăng lên một cách khác thường. Thực tế là đơn thuần dựa vào thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa sâu bệnh, kết quả càng phòng ngừa, sâu càng phát sinh, càng trị càng nhiều. Trên thế giới không thể tìm ra một vùng nào trong sạch mà không có thuốc trừ sâu. Những loài côn trùng và chim có ích ở nhiều vùng đã mất tích.
Thực tiễn chứng tỏ thuốc bảo vệ thực vật không thể trừ sâu có hiệu quả. Muốn ngăn ngừa sâu bệnh, hợp lí nhất là dùng nhiều biện pháp, như các phương pháp nông nghiệp, hóa học, sinh vật, vật lí v.v.. Chỉ có tổng hợp phòng ngừa mới có thể thu được hiệu quả tốt nhất.”