Các nóc nhà thường là mái bằng hoặc mái dốc, chỉ có nóc đài thiên văn là khác hẳn, thường làm thành đỉnh tròn màu bạc, giống như cái bánh bao, nhìn từ xa nó lấp lánh loé lên dưới ánh nắng Mặt Trời.
Vì sao đài thiên văn lại cấu tạo đỉnh tròn? Lẽ nào như thế trông đẹp hơn? Không phải! Đài thiên văn cấu tạo đỉnh tròn không phải là để dễ nhìn mà là có tác dụng đặc biệt. Những mái nhà đỉnh tròn màu bạc này, trên thực tế là nóc phòng quan trắc của đài thiên văn, đỉnh của nó hình bán cầu. Đứng gần thì thấy trên hình bán cầu đó có một rãnh cầu rộng, từ đỉnh kéo dài xuống hết mái. Đến gần hơn ta sẽ thấy rãnh đó là một cửa sổ lớn. Kính viễn vọng thiên văn đồ sộ thông qua cửa sổ này hướng vào bầu trời bao la.
Thiết kế phòng quan trắc của đài thiên văn thành hình bán cầu là để tiện cho quan trắc. Trong đài thiên văn người ta thông qua kính viễn vọng để quan sát bầu trời. Kính viễn vọng thiên văn thường rất lớn nên không thể tuỳ ý di động. Còn mục tiêu quan trắc của kính thiên văn lại phân bổ trên các hướng của bầu trời. Nếu đỉnh nhà có dạng thông thường thì rất khó hướng kính thiên văn vào bất cứ mục tiêu nào ở các phương. Cho nên mái nhà đài thiên văn tạo thành hình tròn và trên đỉnh chỗ tiếp giáp với tường còn đặt một hệ thống quay cơ giới điều khiển bằng máy tính, khiến cho nghiên cứu quan trắc được thuận tiện. Như vậy khi dùng kính thiên văn để quan trắc, chỉ cần chuyển động đỉnh tròn là có thể điều chỉnh hướng của cửa sổ đến vùng cần quan trắc, kính viễn vọng cũng quay theo đến hướng đó, điều chỉnh ống kính lên xuống cho thích hợp là có thể khiến ống kính hướng tới bất cứ mục tiêu nào trong không trung.
Khi không quan sát, chỉ cần khép cửa sổ trên đỉnh lại là có thể bảo vệ kính thiên văn không bị mưa gió phá hỏng.
Đương nhiên không phải phòng quan trắc nào cũng đều làm thành mái tròn. Có những đài thiên văn chỉ cần quan trắc theo hướng Bắc – Nam thì phòng quan trắc có thể tạo thành hình vuông hoặc hình chữ nhật, giữa đỉnh mái mở một cửa sổ rộng thì kính thiên văn vẫn có thể làm việc được.