Trên thế giới, các dạng thiên tai từng giờ từng phút phát sinh. Trong 28 năm từ năm 1965 – 1992 toàn thế giới đã phát sinh 4650 lần thiên tai, ước khoảng ba tỉ người bị thiệt hại, trong đó chết 3,61 triệu người, tổn thất kinh tế trực tiếp khoảng 340 tỉ đô la. Thiên tai thường gặp nhất có gió lốc, lũ lụt, động đất, hạn hán, hoả hoạn, v.v.. Từ trên vệ tinh, dùng kỹ thuật viễn thám tiên tiến người ta có thể quan sát để đề phòng và giảm thấp những hậu quả do thiên tai gây ra.
Ví dụ: Tháng 5 năm 1987, vùng Đại Hưng An Lĩnh đông bắc Trung Quốc phát sinh trận cháy rừng lớn. Vệ tinh tuần sát trên không đã giám sát thành công thông tin này, tạo điều kiện tốt để đội cứu hoả dập lửa trên hiện trường. Mùa hè năm 1991 lưu vực Giang Hoài, Trung Quốc xảy ra lũ lụt lớn, vệ tinh lại cung cấp chính xác diện tích bị ngập làm căn cứ để cứu lụt cho nhân dân. Đặc biệt năm 1998 vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang, sông Tùng Hoa và sông Nộn Giang, Trung Quốc lụt lớn, vệ tinh lại lập công lớn. Vệ tinh với tư cách là người lính gác về thiên tai đã phát huy tác dụng to lớn của mình. Ngày nay con người dùng vệ tinh khí tượng, vệ tinh thăm dò tài nguyên, vệ tinh thông tin, vệ tinh dẫn đường để tiến hành những hoạt động làm giảm tác hại thiên tai và giành được những hiệu quả đáng kể. Ngoài ra nhiều nước đang nghiên cứu chế tạo loại vệ tinh giảm nhẹ thiên tai, tức là dùng một vệ tinh đồng thời quan sát, nhận thông tin và dẫn đường mặt đất để thực hiện mục đích cứu hộ.
Vệ tinh khí tượng đi tiên phong trong việc phát hiện thiên tai. Mọi người đều biết, muốn giảm nhẹ thiên tai thì trước hết phải rõ nguyên nhân thiên tai và giám sát sự phát triển của nó mới có thể “đối chứng bốc thuốc được”. Cũng tức là nói trước hết phải nhìn thấy và nắm vững tình hình thiên tai mới có thể đề ra những biện pháp thích hợp. Quan sát môi trường như biến hoá của các thiên tai, ngoài việc phải có những thiết bị vũ trụ phân biệt cụ thể, còn phải có sự quan sát lặp đi lặp lại trên mặt đất trong khoảng thời gian ngắn, tức là phải có tần số phân biệt thời gian tương đối cao. Trong số các vệ tinh viễn thám hiện có thì vệ tinh khí tượng, đặc biệt là vệ tinh khí tượng địa tĩnh có thể quan trắc khí tượng của bầu trời một cách liên tục, nó có tác dụng mở đường rất to lớn cho việc phát hiện và phòng ngừa thiên tai.
Mấy năm gần đây xuất hiện loại vệ tinh rađa có thể bay xuyên qua mây mưa, chủ động phát ra sóng điện từ có tần số nhất định và tiếp thu sóng phản hồi từ các đối tượng phản xạ hoặc tán xạ ra, hình thành nên những bức tranh. Nhờ vi sóng mà vệ tinh rađa có thể xuyên qua mây mưa và có thể xuyên sâu xuống vỏ Trái Đất đến độ sâu nhất định, hơn nữa có thể có khả năng phân biệt cao, do đó vệ tinh rađa là một biện pháp giám sát rất quan trọng, đặc biệt là khi thời tiết gặp mùa mưa nhiều hoặc lũ lụt thì tác dụng càng lớn.
Khả năng đề phòng thiên tai lớn nhất của vệ tinh là giám sát lục địa, hải dương và các tầng khí quyển trên Trái Đất để tạo ra môi trường sinh thái tốt, khiến cho con người tránh được các loại thiên tai. Do đó các loại vệ tinh chuyên môn có nhiệm vụ giảm nhẹ thiên tai được ứng dụng rất nhiều. Trung Quốc đã dùng loại vệ tinh thu hồi được và vệ tinh khí tượng để phòng lụt, kháng hạn và cứu hộ nhân dân vùng bị tai nạn. Nhưng Trung Quốc là nước đất rộng người đông, thường chịu đựng mọi thiên tai, cho nên bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ rất quan trọng, do đó Trung Quốc đã lấy việc nghiên cứu chế tạo vệ tinh và phát triển kỹ thuật vũ trụ làm nhiệm vụ hàng đầu.