“Dùng kính viễn vọng quan sát bề mặt Mặt Trăng ngoài những đồng bằng rộng lớn và một số ngọn núi cao mà ta nhìn thấy, còn có thể thấy được rất nhiều vòng tròn to, nhỏ khác nhau trên bề mặt Mặt Trăng. Mỗi vòng tròn như thế là một ngọn núi hình tròn. Trên nửa Mặt Trăng mà ta nhìn thấy, các núi vòng tròn có đường kính 1 km trở lên có khoảng 30 vạn núi. Có một ngọn núi vòng gọi là Benli có đường kính 295 km, có thể bao quanh cả đảo Hải Nam. Những ngọn núi hình vòng ở mặt sau của Mặt Trăng càng nhiều hơn.
Kết cấu của các ngọn núi vòng rất thú vị. Ở giữa là hình tròn phẳng, xung quanh là núi bao bọc, núi cao mấy km. Sườn phía trong của núi tương đối dốc, sườn phía ngoài thoai thoải. Giữa một số dãy núi vòng có lúc còn dựng lên một đỉnh núi đơn độc.
Về nguyên nhân hình thành các dãy núi vòng trên Mặt Trăng ngày nay có hai cách giải thích: một loại ý kiến cho là các ngọn núi vòng được hình thành do các vẫn thạch va chạm vào bề mặt Mặt Trăng gây nên (nên còn gọi là hố vẫn thạch hay crate). Trên Mặt Trăng không có không khí nên các vẫn thạch có thể trực tiếp lao xuống Mặt Trăng, chỗ va chạm các chất bắn ra tạo thành núi vòng tròn. Một bộ phận bay đi rất xa, rơi vào bề mặt Mặt Trăng hình thành những núi vòng tròn kéo dài ra bốn phía đạt đến mấy nghìn km.
Một loại ý kiến khác cho rằng trong lịch sử hình thành Mặt Trăng đã phát sinh những đợt núi lửa mãnh liệt. Các núi vòng trên đó là các chất do núi lửa phun ra ngưng kết mà thành. Vì khối lượng của Mặt Trăng chỉ bằng 1/6 Trái Đất, cho nên núi lửa hoạt động với quy mô lớn luôn hình thành những ngọn núi vòng lớn.
Ngày nay nói chung người ta thừa nhận sự hình thành các núi vòng trên Mặt Trăng chủ yếu do vẫn thạch va chạm gây nên, còn núi lửa gây nên chỉ chiếm một phần ít.”