Máy bay có cánh lái, bao gồm cánh lái lên xuống ở cánh và cánh lái đổi hưởng ở phần đuôi. Nó lợi dụng cánh lái lên xuống, hoặc quay sang phải, sang trái để thay đổi tư thế bay của máy bay. Đó là nhờ kết quả của luồng khí tác dụng lên bề mặt của cánh lái. Nhưng tên lửa đa số thời gian là bay ngoài tầng khí quyển, ở đó không có không khí, vậy muốn thay đổi phương hướng bay thì dựa vào biện pháp gì?
Tên lửa dựa vào “cái lái” bên trong tên lửa – hệ thống khống chế bay. Hệ thống này có hai tác dụng: một là khống chế tên lửa bay về phía trước (nhờ một động cơ tên lửa cung cấp sức đẩy); hai là khống chế tư thế tên lửa khiến cho tên lửa nằm sấp, ngửa, bay lệch hoặc quay tròn. Hệ thống khống chế đường bay của tên lửa dựa vào các linh kiện nhạy cảm (giống như con mắt người) để “quan sát” trạng thái bay của tên lửa ( so sánh với đường bay dự định) có bình thường hay không. Nếu tên lửa chệch thì lập tức báo cáo với “đại não” (máy tính trên tên lửa) qua phân tích và suy xét (máy tinh tiến hành hàng loạt tính toán), cuối cùng phát lệnh chỉnh lại cho cơ cấu chấp hành, khống chế hướng bay của tên lửa trở về chính xác.
Tên lửa khi bay trong môi trường chân không nếu dùng cánh lái không khí như máy bay thì đương nhiên không có tác dụng mà phải dùng cánh lái khí đốt và động cơ lắc. Cánh lái khí đốt được lắp ở phần đuôi ống phụt của động cơ, dùng than chì hoặc hợp kim chịu nhiệt độ cao chế tạo nên. Khi luồng khí của động cơ phụt ra với tốc độ cao sẽ có tác dụng lên bề mặt cánh lái để sản sinh lực khống chế, làm biến đổi tư thế của tên lửa. Động cơ lắc là lắp động cơ lên một cái giá có thể làm thay đổi phương hướng lực đẩy để đạt được sự biến đổi của tư thế tên lửa. Do đó bề ngoài của tên lửa tuy là hình trụ, không có cánh, nhưng nó vẫn có thể thay đổi hướng bay theo ý muốn.