Vì sao các nhà du hành khi đi trên Mặt trăng thường nhảy?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Xem vô tuyến truyền hình cảnh Apollo đổ bộ xuống Mặt Trăng, bạn sẽ phát hiện các nhà du hành khi hoạt động trên Mặt Trăng không phải đi từng bước mà là nhảy. Đó là vì sao?

Trước hết phải giới thiệu qua về Mặt Trăng. Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Đường kính của nó khoảng bằng 1/4 đường kính Trái Đất, là vệ tinh tương đối lớn trong hệ Mặt Trời, chỉ đứng sau vệ tinh thứ ba của Mộc tinh và vệ tinh thứ sáu của Thổ tinh, so với Diêm Vương Tinh trong chín hành tinh thì lớn hơn 1/3. Vì khối lượng của Mặt Trăng chỉ bằng 1/81 của Trái Đất, do đó trọng lượng trên Mặt Trăng chỉ bằng 1/6 so với Trái Đất. Một người trên Trái Đất nặng 600 niutơn thì trên Mặt Trăng chỉ nặng 100 niutơn. Nếu nhảy cao trên Mặt Trăng, bạn có thể nhảy cao được rất nhiều so với trên mặt đất. Một vận động viên nhảy cao có thể nhảy hơn 8 m. Mọi người lên Mặt Trăng đều có thể trở thành vận động viên nhảy cao và nhảy dài.

Mặt Trăng là môi trường trọng lực yếu. Các nhà du hành mặc bộ trang phục nặng 150 kg đổ bộ lên Mặt Trăng vẫn cảm thấy không có gì nặng nề, đi lại trên Mặt Trăng vẫn nhẹ tênh. Nhưng khi các nhà du hành đi lại, lực đẩy ngang của Mặt Trăng sản sinh ra cũng chỉ bằng 1/6 so với trên Trái Đất, cho nên đi bộ trên Mặt Trăng rất chậm so với trên Trái Đất. Nếu các nhà du hành một phút trên mặt đất có thể bước được từ 100-120 bước thì trên Mặt Trăng cố gắng lắm cũng chỉ đi được 20 bước. Đồng thời trên Mặt Trăng còn có một lớp cát mịn khá dày, nên đi rất dễ ngã. Cộng thêm mặc bộ trang phục đổ bộ lên Mặt Trăng khiến cho trọng tâm người hơi dịch về phía sau, nếu không cẩn thận thì dù chỉ hơi lệch về phía sau một chút cũng bị ngã ngay. Cho nên trên Mặt Trăng các nhà du hành rất dễ bị ngã. Nhưng ngã trên Mặt Trăng rất đặc biệt, ngã thì từ từ còn đứng dậy lại rất nhanh. Các nhà du hành trên Mặt Trăng đi bộ dễ bị ngã, do đó họ nhảy từng chân để tiến lên, về sau họ lại nhảy cả hai chân, như vậy vừa nhanh vừa khoẻ. Họ đi trông như trẻ con chơi đùa. Biện pháp nhảy này không phải là khi huấn luyện trên mặt đất đã nghĩ ra mà là sau khi lên Mặt Trăng họ mới sáng tạo được.

Còn tàu Apollo đổ bộ sáu lần xuống Mặt Trăng, trong đó ba lần sau các nhà du hành có mang theo xe. Ở trên Mặt Trăng họ lái xe đi khắp bốn phía rất thuận lợi, khoảng cách rời con tàu đổ bộ xa nhất khoảng 20 km, các nhà du hành có thể khảo sát khoa học trong một vùng tương đối rộng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ