“Ngày đêm nối tiếp nhau, bốn mùa tuần hoàn. Con người sống trong thế giới tự nhiên trước hết tiếp xúc với các hiện tượng thiên văn. Mặt Trời chói chang, Mặt Trăng êm dịu, những ngôi sao lấp lánh, cảnh nhật thực tráng lệ v.v. những hiện tượng này luôn đặt ra vô số câu hỏi cho con người: Trái Đất ta đang sống trên đó là thế nào? Nó có vị trí ra sao trong vũ trụ? Mặt Trời vì sao phát ra ánh sáng và nhiệt? Nó ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mọi vật? Những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời ban đêm là gì? Ngoài Trái Đất ra, trên những hành tinh khác có sự sống không? Sao chổi và những hành tinh nhỏ khác có va đập vào Trái Đất không? v.v. Đó là những vấn đề đòi hỏi con người phải hao phí nhiều sức lực để nghiên cứu và khám phá. Quá trình hình thành và phát triển ngành thiên văn học chính là quá trình con người từng bước tìm hiểu thế giới tự nhiên.
Từ cổ xưa, con người đã tiến hành sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Để làm đúng thời vụ, trước hết phải hiểu biết và lợi dụng thời tiết để xác định mùa màng. Ngư dân và các nhà hàng hải phải biết lợi dụng các ngôi sao để xác định hành trình tiến lên trong đại dương bao la, căn cứ vào trăng tròn hay khuyết để phán đoán nước thuỷ triều lên xuống.
Ngành thiên văn hiện đại càng có những phát triển mới.
Đài thiên văn soạn ra các loại lịch không những để cho nhân dân ứng dụng trong cuộc sống thường ngày mà còn giúp cho công tác trắc địa, hàng hải, hàng không, nghiên cứu khoa học có chỗ dựa.
Cuộc sống gắn chặt với thời gian, khoa học hiện đại càng đòi hỏi ghi chép thời gian chính xác. Đài thiên văn đảm nhiệm đo lường, xác định thời gian chuẩn và cung cấp dịch vụ cho những ngành khác.
Các thiên thể là một phòng thí nghiệm lý tưởng. Ở đó có những điều kiện vật lý mà trên Trái Đất không thể có được. Ví dụ những định tinh có khối lượng lớn gấp mấy chục lần so với Mặt Trời, nhiệt độ cao hàng tỉ độ, áp suất cao gấp mấy tỉ lần so với áp suất khí quyển, vật chất ở đó trong trạng thái siêu đặc, mỗi cm3 mấy tỉ tấn. Con người thường nhận được những gợi ý từ thiên văn. Lật những trang ghi chép của lịch sử khoa học ta sẽ thấy, từ tổng kết quy luật chuyển động của các hành tinh rút ra được định luật vạn vật hấp dẫn; sau khi quan trắc được quang phổ của khí heli trên Mặt Trời, mới tìm được nguyên tố heli trên mặt đất; từ tính toán năng lượng nổ của những ngôi sao mới, ta mới phát hiện ra những nguồn năng lượng mà đến nay con người vẫn còn chưa biết…
Thiên văn học có quan hệ mật thiết với sự phát triển của các ngành khoa học khác. Trước thế kỷ XIX thiên văn học liên quan chặt chẽ với sự phát triển của toán học và cơ học. Ngày nay, khi các ngành khoa học kỹ thuật đã phát triển cao, thiên văn học càng thâm nhập sâu vào những ngành khoa học khác. Như ta đã biết, sau khi Anhxtanh công bố thuyết tương đối, dùng kết quả quan trắc của thiên văn con người đã minh chứng được thuyết này. Những phát hiện mới của thiên văn đã đề ra những đề tài mới đối với vật lý năng lượng cao, cơ học lượng tử, vũ trụ học, hoá học và nguồn gốc của sự sống.
Thiên văn học đã đưa lại cho chúng ta bộ mặt thật của thế giới tự nhiên mà mấy nghìn năm nay nhân loại đã nhận thức sai về tính chất của Trái Đất, vị trí của nó trong vũ trụ, cũng như kết cấu của vũ trụ. Nếu không có thiên văn học thì những nhận thức sai lầm như thế còn tiếp tục kéo dài thêm nữa. Nhà thiên văn thiên tài Côpecnic người Ba Lan đã vượt qua ràng buộc mấy nghìn năm của tôn giáo đưa ra học thuyết Mặt Trời là trung tâm, khiến cho con người tiến lên một bước lớn trong nhận thức đối với vũ trụ. Ngày nay đến một em học sinh tiểu học cũng biết được “”Trái Đất hình cầu chứ không phải hình vuông””. Trong thời đại con người bay vào vũ trụ, thiên văn học đã kết tụ những tinh hoa nhận thức tự nhiên của con người. Nếu một người không hề biết gì đến những thành tựu vĩ đại của thiên văn học thì không thể xem là người được trải qua nền giáo dục trọn vẹn. Chính vì thế trên thế giới này có rất nhiều nước đã đưa thiên văn học vào chương trình cấp trung học.
Trên đây chỉ giới thiệu một cách đơn giản về sự phát triển và ứng dụng của thiên văn. Do đó có thể thấy thiên văn học có vai trò thúc đẩy các ngành khoa học hiện đại phát triển, là môn khoa học quan trọng giúp loài người nhận thức tự nhiên để cải tạo tự nhiên.”