“Đêm hè trong sáng, ngẩng đầu lên ta thấy sao trên trời dày đặc, nhiều hơn hẳn so với mùa đông. Đó là vì sao? Điều đó có liên quan với hệ Ngân hà, bởi vì các ngôi sao mà ta nhìn thấy phần lớn là những ngôi sao nằm trong hệ Ngân hà.
Toàn bộ hệ Ngân hà có khoảng 100 tỉ ngôi hằng tinh, chúng phân bố thành hình cái bánh tròn trên bầu trời. Ở trung tâm hình bánh tròn sao dày hơn xung quanh. Ánh sáng đi từ đầu này của bánh tròn đến đầu kia mất khoảng 10 vạn năm.
Hệ Mặt Trời là một thành viên trong hệ Ngân hà. Vị trí của hệ Mặt Trời không nằm ở trung tâm hệ Ngân hà mà cách trung tâm khoảng 2,5 vạn năm ánh sáng. Khi ta nhìn về phía trung tâm của hệ Ngân hà có thể thấy ở đó các sao tập trung dày đặc, vì vậy thấy rất nhiều sao, còn nhìn theo hướng ngược lại thì các sao gần mép hệ Ngân hà rất ít.
Trái Đất quay liên tục quanh Mặt Trời. Mùa hè ở Bắc bán cầu Trái Đất quay đến khoảng giữa của Mặt Trời và hệ Ngân hà, bộ phận chủ yếu của hệ Ngân hà – dải Ngân hà ban đêm xuất hiện vừa đúng trên đỉnh đầu của ta; các mùa khác bộ phận nhiều nhất, dày nhất của dải Ngân hà có lúc xuất hiện vào ban ngày, có lúc xuất hiện vào sáng sớm, có lúc là hoàng hôn, có lúc nó không ở giữa mà là gần đường chân trời, vì vậy rất khó nhìn thấy.
Cho nên tối mùa hè ta thấy các sao nhiều hơn mùa đông.”