“Khoảng 7 giờ sáng ngày 30 tháng 6 năm 1908, vùng Tunguska miền trung Siberi Nga có một quả cầu lửa còn sáng hơn cả Mặt Trời ù ù rơi xuống theo góc xiên 275o. Bỗng chốc một tiếng nổ rền. Tiếng nổ lan ra hàng nghìn dặm phá vỡ kính tất cả cửa sổ trong vòng bán kính 1 km, thậm chí người và súc vật ở cách xa 300 – 500 km cũng ngất ngã xuống đất. Trong vòng bán kính 2000 km2, cây trong rừng đổ ngổn ngang, lửa bốc cháy làm cho mọi vật chung quanh biến thành than. Tất cả các máy địa chấn trên thế giới đều ghi được một đường cong khác thường của vụ nổ này.
Đó là vụ nổ lớn nhất đầu thế kỷ XX người ta được chứng kiến từ khi có lịch sử loài người đến nay. Theo tính toán sức công phá của vụ nổ tương đương với hàng vạn tấn thuốc nổ TNT cực mạnh, nói cách khác tương đương mấy nghìn quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Nhật Bản hồi tháng 8 năm 1945.
Vậy vật gì đã gây ra vụ nổ ở Tunguska? Trước hết người ta nghĩ đến đó là kết quả vẫn tinh rơi xuống. Năm 1927 một tổ khảo sát do giáo sư Kulik – Viện khoa học Liên Xô đến để điều tra thực địa. Nói chung ở trung tâm vẫn tinh rơi xuống thường phải có hố vẫn thạch, gần đó có thể nhặt được một ít mảnh vụn các vẫn thạch. Nhưng tình hình lại hoàn toàn khác hẳn, ở đây vừa không có hố vẫn thạch lớn, cũng không có các mảnh vụn. Tổ khảo sát đào sâu xuống mấy chục mét nhưng vẫn không tìm được gì. Thật kỳ lạ, vẫn thạch đã đi đâu?
Đang lúc các nhà khoa học tìm câu giải đáp thì một nhà văn viễn tưởng nổi tiếng của Liên Xô là Calasev đã mạnh dạn đưa ra một giả thuyết. Trong tiểu thuyết ông đưa ra cách nhìn sau: sự kiện Tunguska là do một con tàu nguyên tử từ bên ngoài Trái Đất bay lạc trong vũ trụ gây nên. Nhưng kết quả điều tra hiện trường đã dội một gáo nước lạnh lên giả thuyết đó, vì các nhà khoa học không tìm được những dấu hiệu bức xạ của nguyên tử ở hố đất năm 1908 để lại.
Năm 1958 các nhà khoa học Liên Xô tiếp tục khảo sát về vấn đề này. Cuối cùng phát hiện ở trong đất vùng đó có chứa những hạt bụi vẫn tinh sắt, trong đó hàm lượng niken từ 7 – 10%. Trong mỏ sắt trên Trái Đất không bao giờ hàm lượng niken cao quá 3%. Về sau đội khảo sát khác lại phát hiện trong đầm lầy ở vùng đó có một số vẫn thạch thủy tinh, các hạt kim loại, hạt hợp chất của silic và một ít hạt kim cương rất nhỏ. Những loại hạt này đúng là thành phần hoá học điển hình của các thiên thể nhỏ giữa các vì sao cũng như các tiểu hành tinh của sao chổi. Từ đó chứng tỏ kẻ khởi sự kiện Tunguska có thể là những mảnh vỡ của sao chổi, hoặc là một hành tinh nhỏ, đường kính của nó khoảng 100m, khối lượng khoảng 1 triệu tấn trở lên. Khi nó chuyển động với tốc độ 30 km/s va vào Trái Đất, vì không khí tác dụng mạnh làm cho nhiệt độ lên cao mấy nghìn độ, thậm chí hàng vạn độ mà phát sinh vụ nổ, tạo nên sự kiện Tunguska chấn động cả thế giới. Vì vụ nổ phát sinh trên cao, do đó không để lại hố sâu trên mặt đất.”